Windows Phone là một hệ điều hành có khá nhiều điểm thú vị, từ cách thiết kế cho đến cách sử dụng. Windows Phone ở nước ta vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm từ phía người dùng, việc chia sẻ thông tin giữa anh chị em với nhau cũng chưa được phổ biến lắm. Nhất là với những ai vừa mới sắm được cho mình một chiếc Windows Phone thì còn khá nhiều điều bỡ ngỡ. Nếu bạn đang có trong tay một chiếc Windows Phone và chưa biết phải làm gì vì còn nhiều thứ lạ lẫm, hãy đọc qua bài viết sau để có cái nhìn sâu hơn về hệ điều hành di động này cũng như những thủ thuật, mẹo và hướng dẫn mà mình tổng hợp lại của mọi người trên diễn đàn.
Giới thiệu sơ lược về lịch sử phát triển
Windows Phone được Microsoft phát triển để thay thế cho hệ điều hành di động Windows Mobile trước đây. Windows Phone bắt đầu từ phiên bản thứ 7 (khi ra mắt, Microsoft gọi nó là Windows Phone 7, còn hiện giờ nó đã lên đến 7.5). Được biết, do phát triển trong thời gian ngắn nên Windows Phone rất hạn chế trong việc tương thích ngược với các nền tảng Windows Mobile trước đó. Một lý do nữa để Microsoft không quan tâm nhiều đến nền tảng cũ đó là vì màn hình cảm ứng bằng ngón tay ngày càng phổ biến hơn trên điện thoại và Windows Mobile vốn thiết kế cho bút stylus đã trở nên rất lỗi thời.
Windows bắt đầu được ra mắt chính thức vào tháng 2/2010 ở triển lãm Mobile World Congress diễn ra ở Barcelona, Tây Ban Nha. Đến tháng 10 cùng năm, CEO Steve Ballmer của Microsoft ra mắt 10 thiết bị Windows Phone đầu tiên đến từ HTC, Dell, Samsung, LG. Vài tuần sau, máy bắt đầu được bán ra ở Mỹ và Châu Âu. Tháng 5 cùng năm, Microsoft tuyên bố hợp tác với một số nhà sản xuất khác là Acer, Fujitsu và ZTE.
Một cột mốc quan trọng của Windows Phone đó là sự hợp tác giữa Microsoft với Nokia sau khi hãng điện thoại Phần Lan này quyết định không còn tập trung vào điện thoại Symbian nữa. Kết quả của sự hợp tác này đó là dòng Nokia Lumia ra đời ở sự kiện Nokia World 2011. Đến CES 2012, Nokia tiếp tục ra mắt hai máy Lumia mới nữa (mình sẽ đề cập ở phần sau). Việc tích hợp các dịch vụ của Microsoft (Bing, Bing Maps, Windows Phone Marketplace,…) lên thiết bị Nokia được cho là sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh cho WIndows Phone với hai đối thủ lớn hiện thời là iOS và Android.Lịch sử các phiên bản phát triển của Windows Phone:
7.0.7004: phiên bản đầu tiên của Windows Phone 7
7.0.7008: nâng cấp và cải thiện một vài điểm
7.0.7390: bản cập nhật với tên mã NoDo, hỗ trợ mạng CDMA, copy và paste, tốc độ chạy ứng dụng nhanh hơn, tích hợp Facebook sâu hơn
7.0.7392: sửa các lỗi liên quan đến chứng nhận bảo mật
7.0.7403: bản tiền nâng cấp để chuẩn bị bước sang một đợt nâng cấp lên
7.10.7720: đây là Windows Phone 7.5 với tên mã Mango, được giới thiệu 2/2011. Các tính năng mới được thêm vào như Internet Explorer 9 hỗ trợ đồ họa và chuẩn web tốt hơn, Twitter tích hợp vào People Hub, chạy đa nhiệm cho các ứng dụng bên thứ ba bằng cách tạm ngừng chúng
7.10.7740: sửa lỗi Microsoft Exchange Server 2003 và cảnh báo hộp thư thoại
7.10.8107: hỗ trợ kết nối LTE, sửa lỗi bàn phím bị biến mất và nhiều vấn đề khác
7.10.8112: bản cho Lumia 900 và HTC Titan II của nhà mạng AT&T
7.10.8773: còn gọi là Windows Phone 7.5 Refresh với tên mã Tango. Nhiều tính năng mới xứat hiện như MMS tốt hơn, biểu tượng cho việc dò vị trí, xuất và quản lí danh bạ vô SIM, hỗ trợ điện thoại giá rẻ với 256MB RAM và xung nhịp CPU chậm
7.10.8779: sửa lổi, cải thiện và nâng cấp
Nếu bạn dạo quanh diễn đàn của chúng ta cũng như một vài nơi khác có Windows Phone, chắc hẳn bạn sẽ được nghe đến cụm từ "Windows Phone Gen 1" (WP thế hệ thứ nhất) và "Windows Phone Gen 2" (WP thế hệ thứ hai). Vậy chúng là gì? Đó là một cách phân biệt hai thế hệ Windows Phone cũ và mới mà người ta thường gọi cho tiện, thay vì phải kể chi tiết về phần cứng.
Các smartphone Gen 1 là các máy ra mắt ở thởi điểm năm 2010. Các SoC (system-on-chip, có thể tạm hiểu là vi xử lí CPU và bộ xử lí đồ họa GPU tích hợp chung trong một con chip) trêm những thiết bị này thường là Snapdragon QSD8250 do Qualcomm sản xuất với xung nhịp 1GHz. Một số Windows Phone Gen 1 đó là HTC HD7, Trophy, Surround, Mozart, Samsung Omnia 7, Focus, LG Optimus 7 E900.
HTC HD7
Với các máy Gen 2 là các máy mới ra sau này, tức từ năm 2011. Các máy Windows Phone Gen 2 sử dụng các SoC đa dạng hơn rất nhiều so với Gen 1. Một số máy Gen 2 bạn có thể tìm gặp trên thị trường đó là HTC Titan, Titan II, các dòng Nokia Lumia 900, Lumia 800, Lumia 710, Lumia 610, Samsung Focus S, Omnia M, Omnia W, Acer Allegro, Fujitsu-Toshiba IS12T. Có thể trong thời gian tới chúng ta sẽ thấy thêm các mẫu máy Gen 2 xuất hiện.
Tất nhiên, các máy Gen 2 mạnh hơn Gen 1 khá nhiều, ngoại trừ các dòng máy giá rẻ chạy phiên bản Tango. Mặc dù có cùng xung nhịp CPU như thế nhưng cấu trúc khác, GPU cũng khác khiến hiệu suất của các thiết bị Gen 2 tốt hơn Gen 1. Tuy nhiên, các máy Windows Phone, dù cho cấu hình mạnh hay yếu thì đều chạy khá mượt mà, không vấn đề gì về tốc độ thực thi như một số hệ điều hành đối thủ. Khác biệt giữa Gen 1 và Gen 2 ở các tác vụ thông thường là không đáng kể.
Nokia Lumia 900, một máy Windows Phone Gen 2
Một điểm khác biệt có thể thấy khá rõ đó là tốc độ kết nối dữ liệu. Các máy Gen 2 cho hiệu suất xử lí thông tin từ Internet cũng như việc sử dụng các ứng dụng thông qua kết nối mạng nhanh chóng hơn vì những con chip mới hỗ trợ chuẩn kết nối HSPA+.
Chi tiết về Windows Phone 7
1) Phần cứng
Phần cứng trên máy
Thành phần cơ bản của Windows Phone bao gồm màn hình cảm ứng, máy ảnh phía sau, nút tăng giảm âm lượng, nút nguồn (khóa) và ba nút chức năng ở mặt trước máy. Các nút chức năng này có thể là nút cảm ứng mềm hoặc nút cứng. Chức năng các nút này như sau:
Home: quay trở lại Start Screen của Windows Phone
Back: quay trở lại thao tác/màn hình vừa rồi. Nó còn dùng để ẩn bàn phím khi bạn đã soạn thảo xong. Nhấn nút Back nhiều lần để ứng dụng thoát hẳn ra màn hình Start. Còn nếu bạn nhấn giữ lâu thì sẽ hiển thị các ứng dụng mới chạy gần đây, hay nói cách khác là khả năng quản lí đa nhiệm của máy.
Search: chạy ứng dụng tìm kiếm trong máy bằng Bing. Thật ra, trước đây, nút Search này có thể tìm kiếm trong nội bộ ứng dụng, nhưng khi đã nâng cấp lên WIndows Phone 7 Mango thì nút Search chỉ có thể chạy Bing.
Một số Windows Phone 7 cao cấp thì có thêm máy ảnh phía trước để phục vụ cho việc chat Skype, gọi điện thoại video,… Các thành phần này tương tự như bao chiếc điện thoại khác nên mình sẽ không đề cập nhiều mà sẽ đi thẳng vào hệ điều hành hay ho này.
Một điểm bạn cần phải chú ý: Windows Phone 7 không hỗ trợ thẻ nhớ (microSD) tháo rời. Nhưng bù lại, bộ nhớ trong lại có dung lượng lớn, thường là 8GB đến 16GB, có thể có máy cao hơn nữa. Một số thiết bị có thể bổ sung thêm bộ nhớ trong trên thẻ microSD (như HTC HD7, Tropy, Mozart,...). Tuy nhiên người dùng không thể tháo nóng và nếu rút thẻ ra, điện thoại sẽ được thiết lập lại và tất cả dữ liệu sẽ bị mất. Nhưng người dùng vẫn có thể lấy lại dữ liệu khi đồng bộ hóa với dịch vụ đám mây do Microsoft cung cấp.
Có một chiếc điện thoại khá đặc biệt là Samsung Focus bởi vì nó có thể kết hợp cả bộ nhớ trong 8GB với bộ nhớ của thẻ microSD tặng kèm là 8GB, thành ra tổng cộng máy có 16GB. Một số máy khác thì có thể nâng cấp thẻ nhớ nhưng phải dùng thẻ được chứng nhận của AT&T, và đã gắn vào thì không tháo ra được, nếu không sẽ phải thiết lập lại máy. Các thẻ nhớ này gọi là "Windows Phone Certified SD card".
Các thao tác chạm cơ bản
Windows Phone 7, như các bạn đã biết, đều sở hữu màn hình cảm ứng điện dung. Màn hình này sẽ nhận được ít nhất là 4 điểm chạm từ ngón tay của chúng ta. Các thao tác cảm ứng mà bạn thường dùng trên Windows Phone gồm có:
Chạm (tap): đây chỉ đơn giản là nhấn vào một đối tượng nào đó trên màn hình rồi thả ngón tay ra. Bạn sẽ dùng nó để chọn hoặc tương tác với một thứ gì đó và touch sẽ là thao tác được dùng nhiều nhất.
Chạm hai lần (double tap): bạn sẽ nhấn hai lần vào một đối tượng nào đó để thực thi tác vụ. Ví dụ, khi đang duyệt web, bạn nhấn hai lần vào trang web thì máy sẽ tự động phóng to chữ ra.
Nhấn giữ (touch and hold): thao tác này bạn sẽ dùng để di chuyển một thứ gì đó, ví dụ như di chuyển Tile ở Start Screen chẳng hạn. Quan trọng hơn, bạn sẽ dùng thao tác nhấn giữ để mở các menu phụ. Menu này sẽ ẩn đi và nó chỉ xuất hiện khi ta nhấn giữ vào một đối tượng nào đó. Ví dụ, khi ở nơi duyệt ứng dụng, bạn nhấn giữ vào một biểu tượng thì sẽ thấy menu mới xổ ra. Một ví dụ khác, khi chọn lấy một số liên lạc trong danh bạ rồi nhấn giữ, bạn sẽ thấy menu "pin to start","edit", "delete".
Pan, Flick: pan là khi bạn kéo ngón tay đi thành một quãng đường trên màn hình, còn Flick là để duyệt nhanh qua một số các đối tượng nào đó.
Kéo và thả: thường thì thao tác này sẽ được dùng sau khi đã nhấn giữ một đối tượng nào đó. Bạn sẽ không thường gặp nó.
Pinch and Strecht: trong thao tác này, bạn cần phải dùng hai ngón tay để miết vào hoặc banh rộng ra để phóng to, thu nhỏ hình ảnh. Tất nhiên nó vẫn áp dụng cho việc duyệt văn bản trong Office hay khi đang duyệt web bằng Internet Explorer. Các phần mềm của bên thứ ba cũng hỗ trợ thao tác này. Ngoài ra, để phóng to, thu nhỏ nhanh chóng, bạn có thể chạm hai lần vào khu vực chữ/hình ảnh mong muốn.
Hình ảnh mô tả các thao tác chạm2) Các phần mềm cơ bản
Giao diện tổng quát
Trên Windows Phone 7, giao diện mà bạn thấy được Microsoft gọi là Metro UI. Đặc điểm cơ bản là các ô vuông vuông (Tile) ở màn hình chính. Những thành phần đồ họa khác cũng không có nhiều nét mềm mại, cong cong tròn tròn mà cũng mang dáng vuông hoặc chữ nhật. Một số Tile có khả năng cập nhật dữ liệu theo thời gian thực thì gọi là Live Tile.
Giao diện này cũng đã xuất hiện ở vài nơi khác như Xbox Live, Windows 8 và cũ hơn là máy chơi nhạc Zune. Ngoài các ô vuông ra thì chữ lớn, dễ đọc theo font SegoeWP cũng như các dòng chữ lớn xuất hiện khi duyệt ngang qua các trang chức năng trong ứng dụng cũng là nét đặc trưng "không đụng hàng" của Windows Phone.
Giao diện của Windows Phone có hai sắc thái chính: trắng và đen. Nếu bạn dùng máy có màn hình AMOLED, việc chỉnh theo tông đen rất có lợi cho việc tiết kiệm pin vì AMOLED không thắp sáng các pixel màu đen. Còn với điện thoại thường thì khác biệt này không rõ ràng lắm. Màu của các Tile cũng có thể được thay đổi tùy theo ý muốn nữa. Tất cả có thể thực hiện thông qua Settings > trang System > theme. Tông trắng đen đổi ở mục Background, còn màu của Tile là ở mục Accent colour.
Start Screen
Ở màn hình đầu tiên sau khi mở khóa máy, gọi là Start Screen, bạn sẽ thấy các ô vuông gọi là Live Tile. Các Tile sẽ liên kết với ứng dụng, tính năng và những đối tượng khác như số liên lạc, trang web, tập tin đa phương tiện,…). Bạn có thể di chuyển, xóa, thêm Tile vào màn hình này. Bạn có thể xem cách sử dụng các Tile, thêm, xóa và các thủ thuật với Start Screen.
Ở Start Screen, khi nhấn vào nút mũi tên, bạn sẽ được chuyển hướng đến danh sách các ứng dụng đã cài đặt trên thiết bị. Nút hình kính lúp (Search) ở đây giúp bạn tìm kiếm phần mềm nhanh chóng hơn. Bạn nên lưu ý rằng nút Search của từng ứng dụng khác với nút Search cứng trên máy nhé. Nút Search trong ứng dụng thì chỉ có khả năng tìm kiếm trong nội bộ ứng dụng mà thôi, ví dụ như tìm danh bạ thì chỉ kiếm ra được số liên lạc, trong khi tìm kiếm bằng nút Search cứng thì máy sẽ chạy phần mềm Bing lên.
Có nhiều bạn sẽ thắc mắc rằng hình nền của máy chỉ có thể được cài đặt cho màn hình khóa thôi sao? Xin trả lời là đúng như vậy. Màn hình Start không thể đổi được hình nền, ngoại trừ việc chuyển theme thì nền phía sau sẽ chuyển từ trắng sang đen hoặc ngược lại, chỉ thế mà thôi.
Hub
Trong Windows Phone, các tính năng được sắp xếp theo từng Hub. Các Hub có thể xem như một nơi để máy tổng hợp thông tin chứa trong máy và thông tin từ các dịch vụ trực tuyến để hiển thị trong một giao diện thống nhất. Hub trong Windows Phone có thể hiện thị được thông tin từ các dịch vụ như Facebook, Windows Live, Twitter.
Hub Pictures
Lấy ví dụ như hub Pictures, nó sẽ hiển tất cả album và ảnh mà bạn lưu trên tài khoản Facebook, Windows Live (SkyDrive), tất nhiên không thể thiếu ảnh chụp từ điện thoại của chúng ta và ảnh chép từ máy tính vào. Một ví dụ khác như hub People chẳng hạn, nó sẽ tổng hợp danh bạ từ Facebook, Windows Live, Gmail,… Các Hub khác có sẵn trên Windows Phone có thể kể đến Music & Video, Game, Windows Phone Marketplace và Microsoft Office.
Màn hình khóa
Màn hình khóa (Lockscreen) là nơi đầu tiên bạn thấy sau khi nhấn nút mở khóa màn hình. Để bắt đầu sử dụng máy, bạn cần phải trượt từ dưới lên. Màn hình khóa này có thể được tùy biến một số thứ, ví dụ như
Hình nền: vào Settings > trang System > Lock + wallpaper > Change Wallper.
Thời gian tự động khóa màn hình: cũng vào Lock + wallpaper, chọn thời gian ở mục Screen times out after
Mật khẩu: Vào Lock + wallpaper, chọn Password.
Trong lúc chơi nhạc, bạn sẽ thấy một thanh điều khiển nhỏ xuất hiện ở Lockscreen. Bạn có thể ra lệnh phát, tạm ngừng, chuyển quan lại giữa các bài hát. Thật tiện lợi phải không? Ngoài ra, khi đang ở màn hình khóa, bạn có thể kích hoạt nhanh máy ảnh bằng cách nhấn giữ nút camera. Như vậy, ta sẽ tiết kiệm được khá nhiều thời gian vì không phải mở khóa, tìm phần mềm chụp ảnh rồi chạy lên. Đảm bảo bạn sẽ không bỏ lỡ khoảng khắc quý giá nào cả. Tương tự, việc nhấn phím Search khi đang ở ngoài màn hình khóa cũng kích hoạt nhanh phần mềm Bing.
Nút Menu
Nút Menu (dấu hiệu ...) xuất hiện ở rất nhiều nơi, từ ứng dụng cho đến Hub. Ở một số phần mềm, khi nhấn nút này, ta chỉ thấy xuất hiện phần chữ cho các nút, nhưng với nhiều ứng dụng khác, khi nhấn vào đây bạn sẽ thấy các tính năng mới xuất hiện. Thường thì mục Settings cho ứng dụng sẽ được ẩn và chỉ xuất hiện khi ta nhấn nút Menu này.
Bàn phím và soạn thảo
Bàn phím của Windows Phone về cơ bản cũng là bàn phím QWERTY ảo. Trên một số dòng máy như Dell Venue Pro hay HTC 7 Pro thì nhà sản xuất có trang bị bàn phím vật lý đầy đủ. Bàn phím của Windows Phone chỉ xuất hiện khi bạn nhấn vào một ô nhập liệu nào đó mà thôi (textbox), ví dụ như ô địa chỉ web cua Internet Explorer hay ô tìm kiếm của Bing chẳng hạn.
Một số thủ thuật với bàn phím và soạn thảo trên Windows Phone:
Ấn và giữ một phím chữ cái để hiển thị các chữ cái liên quan.
Ấn và giữ vào phím ".com" để hiển thị ".net" ".org" hay ".edu" . . .
Ấn và giữ phím số (ở góc dưới cùng bên trái bàn phím) sau đó lướt ngón tay qua số nào bạn muốn chọn và nhả ra, bàn phím sẽ quay về ban đầu mà không cần phải chạm lại phím chuyển đổi số và chữ cái nữa.
Ấn phím Back để ẩn bàn phím khi bạn soạn thảo xong.
Khi đang soạn thảo, ấn nhanh 2 lần vào phím cách (space) sẽ hiện thị ra dấu chấm và sau đó cách ra để bạn tiếp tục gõ câu tiếp theo
Ở ô soạn thảo, muốn di chuyển con trỏ chuột, bạn nhấn giữ đến khi xuất hiện thanh chắc như khi ta viết chữ trên máy tính rồi di chuyển nó đến vị trí mong muốn.
Cũng trong ô soạn thảo, chạm một lần để chọn chữ, và bạn sẽ thấy biểu tượng copy nho nhỏ. Khi sang ô soạn thảo khác, nút paste sẽ xuất hiện ở ngay phía trên bàn phím.
Phone, People và Message
Chắc hẳn ai nhìn vào thì cũng biết đây là ứng dụng để làm gì rồi phải không? Tất nhiên là nó để gọi điện rồi. Ngoài các thao tác cơ bản như nhấn phím quay số, tìm kiếm danh bạ, nói chung là các thao tác ai ai cũng biết, mình xin nói đến một số vấn đề mà mình cảm thấy còn khó khăn trong quá trình sử dụng hai phần mềm Phone và People cũng như cách khắc phục chúng.
Trước hết, khi bạn chạy phần mềm Phone và nhấn nút tìm kiếm ở đây, thực chất là bạn chỉ tìm các số liên lạc trong lịch sử mà thôi chứ không phải tìm kiếm trong toàn bộ danh bạ. Muốn chuyển sang tìm danh bạ, bạn phải nhấn vào biểu tượng quyển sổ ở cạnh dưới màn hình. Khi đó, bạn sẽ được chuyển sang ứng dụng People. Đã có vài bạn pm cho mình và nói rằng các bạn ấy không thể tìm danh bạ khi nhấn Phone, thì đây là lý do đấy nhé.
Ngoài ra, nếu đang tìm kiếm trong History, bạn cũng có thể kéo xuống bên dưới lúc gõ tên người cần tìm, sẽ thấy dòng "search contact for .......". Nếu nhân vô đây thì máy tự động tìm như khi ta vào People.
Vấn đề thứ hai, People không chỉ đơn giản là một trình danh bạ bình thường, mà như đã đề cập ở trên, nó là một sự tổng hợp từ nhiều tài khoản khác nhau (nếu bạn có đăng nhập trên thiết bị) bởi vì nó là Hub. Do đó, một số số liên lạc có thể trùng lại nhau, ví dụ danh bạ của Gmail trùng với Facebook chẳng hạn và lúc tìm kiếm rất khó chịu. Khi đó, chúng ta có thể tận dụng khả năng kết nối số liên lạc (Link). Chọn vào một số liên lạc trùng, bạn sẽ thấy biểu tượng mắc xích ở cạnh dưới màn hình. Nhấn vào đó, Windows Phone tự động đề nghị các contact có khả năng liên kết, nhấn chọn theo ý bạn.
Liên quan đến danh bạ, vấn đề cuối cùng mà mình muốn chia sẻ đó là một số số liên lạc khi tìm kiếm trong ứng dụng Message thì không thấy? Theo như mình thấy đó là do các số liên lạc đó có điện thoại được đặt là home. Nếu bạn lỡ đặt số phone của ai đó là ở "thể loại" này thì hãy chuyển đổi nó thành mobile là ổn. Cách làm đó là bạn chọn một số liên lạc, nhấn nút Edit (biểu tượng cây bút ở cạnh dưới màn hình), sau đó chọn số điện thoại. Ở mục Phone number type, chọn lại thành mobile.
Còn nếu một người bạn có lưu nhiều số mobile thì sao? Ta không thể đặt mobile 1, mobile 2, do đó phải lưu tạm trong home hay work. Muốn nhắn cho các số này, bạn chạy People lên, tìm kiếm người đó, sau đó cứ nhấn vào nút Send SMS như bình thường. Khi đã vào đến trình tin nhắn, bạn nhìn xuống cạnh dưới màn hình, sẽ thấy nút Switch với biểu tượng hai mũi tên. Nhấn vào đó, bạn sẽ được phép nhắn tin cho số home hay work.
Điều lạ đó là một số người bạn của mình lưu trong danh bạ để số theo kiểu "work" vẫn có thể tìm kiếm được trong Message, số khác lại không. Nếu các bạn có kinh nghiệm gì về vấn đề này, mời chia sẻ ngay tại đây cho mọi người biết nhé.
Marketplace
Đây là kho ứng dụng trực tuyến của Microsoft phát triển dành riêng cho Windows Phone. Có thể xem đây là cách cài thêm ứng dụng duy nhất cho thiết bị của một người dùng bình thường. Nếu chịu khó mày mò thì có thể "jailbreak máy" hoặc "developer unlock" để cài thêm ứng dụng từ nguồn ngoài. Tuy nhiên cách thực hiện rất phức tạp nên mình sẽ không đề cập ở đây. Trên Marketplace bạn sẽ tìm thấy game, ứng dụng hệ thống, tiện ích, ứng dụng liên quan hình ảnh và còn rất nhiều thứ khác nữa. Số ứng dụng miễn phí cũng khá nhiều, do đó nếu chịu khó, bạn có thể tìm một ứng dụng miễn phí có chức năng gần giống với một phần mềm có phí. Còn nếu không có ứng dụng free nào đáp ứng được nhu cầu thì chúng ta đành phải… mua thôi.
Những lập trình viên sau khi viết xong chương trình của mình, qua một loạt giai đoạn đăng kí, kiểm duyệt, ứng dụng của họ sẽ đến với mọi người thông qua kênh phân phối Marketplace. Trên Market có hai loại ứng dụng, đó là thu phí và miễn phí. Ở Việt Nam chúng ta hiện đã có thể dùng Marketplace phiên bản nền web ở địa chỉ nhưng việc thực hiện giao dịch vẫn còn khá phức tạp. Theo anh @bk9sw thì muốn dùng để mua app ở Việt Nam thì tạm thời chưa làm được, bạn có thể xem thêm ở bài viết Marketplace nền web hỗ trợ Việt Nam.
Settings
Đây là nơi bạn sẽ truy cập vào toàn bộ các thiết lập của máy. Nó là biểu tượng hình bánh răng ở trong nơi duyệt ứng dụng. Ở Settings, trang System, bạn có thể làm được những cơ bản như việc sau:
Ringtones + sounds: tinh chỉnh âm thanh, nhạc chuông báo tin nhắn, báo có cuộc gọi, báo email,…
Theme: chỉnh giao diện chung của máy
Flight mode: chế độ máy bay, tức là khi bật chế độ này, toàn bộ các kết nối không dây sẽ được ngắt đi để đảm bảo an toàn hàng không. Bạn cũng có thể dùng nó để… từ chối các cuộc gọi hay tin nhắn những lúc bạn bận bịu mà không muốn tắt hẳn smartphone của mình.
Wifi: bật tắt kết nối Wifi và tủy chỉnh liên quan đến mạng không dây này
Bluetooth: bật tắt Bluetooth. Bạn lưu ý rằng Bluetooth của Windows Phone mặc định không cho phép chia sẻ tập tin, có lẽ Microsoft lo sợ vấn đề bản quyền nội dung số, giống với những gì Google và Apple đã làm với thiết bị của họ. Bạn chỉ có thể kết nối máy với các loa ngoài hay tai nghe Bluetooth mà thôi. Bạn cũng không thể dùng tính năng Browse File trên máy tính để duyệt tập tin trên điện thoại Windows Phone được. Có một số phương pháp để làm thiết bị trao đổi file được nhưng đòi hỏi phải jailbreak.
Internet Sharing: biến chiếc điện thoại thành trạm phát sóng Wifi bằng cách dùng mạng 3G để thiết lập kết nối Internet. Với tính năng này, bạn có thể dễ dàng chia sẻ mạng cho máy tính xách tay mỗi khi đi đến vùng nào không có Wifi bình thường hoặc lúc bạn đang di chuyển trên xe đường dài chẳng hạn. Bạn lưu ý rằng cách thiết bị của nhà mạng AT&T thì sẽ không dùng được Internet Sharing ở Việt Nam nhé vì AT&T bắt phải mua gói dịch vụ đó. Cách xử lí cho việc này đó là up ROM của một quốc gia khác mà thôi.
Email + Account: thiết lập tài khoản email, mạng xã hội, danh bạ,… Cách dùng chi tiết mình sẽ ghi ở phần bên dưới.
Lock + Wallpaper: nơi đây bạn sẽ đổi được hình nền cho màn hình khóa, đồng thời thiết lập thời gian tự động khóa màn hình cũng như mật khẩu mở khóa.
Mobile Network: thông số về mạng di động của chúng ta có thể được tùy chỉnh ở đây. Khi chọn vào và kéo xuống bên dưới, bạn sẽ thấy nút "add apn". Có thể dùng nó để thiết lập cấu hình 3G nếu máy không tự động tải về cho bạn. Bạn có thể xem cấu hình 3G cho các nhà mạng của nước ta ở bài viết này.
Keyboard: tính đến thời điểm hiện tại, ta không thể tùy biến nhiều cho bàn phím của Windows Phone, và nó cũng chưa hiện được tiếng Việt. Do đó, thường thì ta chỉ vào mục Keyboard chỉ để nhấn tiếp nút Typing Settings > English, bỏ chọn "Suggest text and highlight misspelt words" để bỏ tính năng tự động hoàn thành chữ.
Ngoài ra, còn có trang Application trong mục Settings nữa. Ở trang này có phần Background tasks là đáng chú ý. Chúng ta sẽ sớm có một bài viết nói rõ và chi tiết hơn về phần này các bạn nhé.
إرسال تعليق