Đã bao giờ bạn bắt tay ai đó và trong khoảnh khắc bạn có cảm giác mọi ngón tay và thậm chí cả bàn tay bạn như gãy vụn? Hay thậm chí tồi tệ hơn, bạn cảm thấy mình như đang chạm vào vây của một con cá chết?
Bắt tay để làm gì?
Bắt tay là một cử chỉ xuất hiện ngay từ thuở bắt đầu có nền văn minh loài người. Trong thực tế, tục bắt tay thoạt đầu được nghĩ ra nhằm chứng tỏ trong tay bạn không có vũ khí khi bạn gặp mặt ai đó lần đầu tiên. Tuy nhiên, ngày nay, chúng ta thường bắt tay trong các cuộc họp, khi chào hỏi, tỏ ý chúc mừng, khi kết thúc một bản hợp đồng hay đơn giản chỉ với ý hỏi thăm: “Anh ổn chứ?”.
Bất kể bạn phải bắt tay trong tình huống nào thì cũng nên coi đây là một phần trong các cách hành xử hàng ngày của bạn. Bắt tay là biểu hiện của lòng tin tưởng và phần nào tạo dựng các mối quan hệ bền vững. Hãy tưởng tượng lần đầu tiên bạn gặp một đối tác phong mạo đĩnh đạc, trang phục lịch thiệp nhưng khi bắt tay anh ta/cô ta thì trời hỡi, bạn cảm thấy như đang cầm phải ngón tay của một đứa trẻ sơ sinh thì quả thực chẳng ra sao.
Theo một điều tra của các chuyên gia về nhân sự năm 2001, đa số các nhà tuyển dụng đều cho rằng họ dễ có xu hướng bỏ qua các vết xăm hay sẹo lộ rõ ở bề ngoài diện mạo ứng viên hơn là chuyện không biết bắt tay. Thêm nữa, cũng theo một nghiên cứu của Incomm Center, nếu bạn bắt tay khi gặp mặt thì người được bắt tay sẽ nhớ tới bạn lâu hơn là khi bạn không bắt.
Vai trò của cái bắt tay như thế là đã rõ, bây giờ đã đến lúc bạn cần tìm hiểu xem cách nắm tay của mình có mạnh mẽ, tình cảm hay là quá tồi tệ.
10 kiểu bắt tay nên tránh
Để tránh tạo ra ấn tượng ban đầu không tốt, nguy cơ bị huỷ hợp đồng hay đơn giản chỉ đẩy bạn vào tình trạng bối rối, bạn nên tránh 10 cách bắt tay không hiệu quả dưới đây:
1. Bắt tay quá mạnh: Đây là kiểu siết tay mạnh tới mức có thể làm gãy xương người khác mà rất nhiều doanh nhân thường áp dụng. Đâu cần thiết bạn phải chứng tỏ sức mạnh cơ bắp của mình qua việc bắt tay người khác như thế chứ!
2. Bắt tay quá yếu ớt: Kiểu bắt tay này thường có ở những nam giới vốn e ngại “làm đau phái nữ”. Tuy nhiên, rất nhiều những phụ nữ hiện đại mong muốn các đối tác nam giới hãy tỏ ra tôn trọng nữ giới, theo cách họ vẫn thể hiện qua cái bắt tay với đồng nghiệp nam.
3. Bắt tay kiểu “cá chết”: Kiểu bắt tay này chẳng chuyển tải được chút thông điệp nào. Mặc dù không nhất thiết phải chuyển sang kiểu bắt quá chặt nhưng rõ ràng kiểu siết chặt một chút còn tỏ ra có chút hiệu quả hơn là kiểu chỉ đơn giản nắm vào tay đối tác.
4. Bắt tay kiểu “bốn ngón”: Đây là kiểu bắt tay khi tay người được bắt không bao giờ chạm hết vào bàn tay bạn.
5. Để tay lạnh và ẩm ướt khi bắt tay: Kiểu bắt tay này khiến bạn có cảm giác như đang bắt tay với một con rắn vậy. Hãy ủ ấm tay mình trước khi bắt tay với ai đó.
6. Lòng bàn tay dấp dính mồ hôi: Bạn nên dùng các loại bột khô mịn để giải quyết tình trạng này.
7. Dùng tay trái phủ lên bàn tay vừa bắt: Cách bắt tay này khiến người khác có cảm giác như việc bắt tay của bạn có gì đó cần phải giấu giếm vậy.
8. Kiểu “tôi chẳng muốn rời xa”: Bắt tay xong rồi mà đối tác vẫn chưa chịu bỏ tay xuống. Sau hai đến ba lần lắc tay, bạn nên gỡ tay ra. Việc bắt tay cũng giống như khi đặt một nụ hôn vậy, bạn phải biết khi nào cần chấm dứt.
9. Kiểu “thuận tay trái”: Kiểu này thường xảy ra khi đối tác dùng tay trái để bắt vì tay phải đang “bận” cầm thức ăn hay đồ uống. Do vậy bạn nên luôn luôn mang đồ uống hay thức ăn bên tay trái để tay phải được “tự do” gặp gỡ và chào hỏi mọi người.
10. Kiểu “tra tấn bằng nhẫn”: Kiểu này xảy ra khi chiếc nhẫn trên tay người bắt làm đau tay bạn. Nên hạn chế số nhẫn đeo bên tay phải ở mức một hoặc hai chiếc và rất cẩn thận với những loại nhẫn có mặt to.
Ba bước để biết cách bắt tay đúng đắn
- Khi bạn tiến lại gần ai đó, tới cách họ khoảng 30cm, bạn chìa bàn tay hơi chéo so với ngực, ngón tay cái chĩa thẳng.
- Nắm tay lại, ngón cái của bạn khít với ngón cái của đối tác, sau đó nắm chặt tay của họ mà không siết quá mạnh.
- Lắc tay đối tác hai đến ba lần rồi thả ra.
6 mẹo nhỏ để chào hỏi ấn tượng
1. Đứng dậy.
2. Bước tới hoặc nghiêng người về phía trước một chút.
3. Chăm chú nhìn đối tác.
4. Gương mặt tỏ vẻ phấn khởi và tươi tắn.
5. Bắt tay.
6. Chào hỏi và nhắc lại tên đối tác.
Cách bắt tay
Bắt tay là cách biểu hiện tình cảm của mình với người đối diện. Tuy nhiên không phải ai cũng biết bắt tay đúng cách. Xin mách bạn một số điều chú ý khi thực hiện động tác này.
- Bạn luôn đưa tay phải ra bắt, người ít tuổi hơn không nên giơ tay ra trước cho người nhiều tuổi bắt. Cấp dưới không giơ tay trước cấp trên. Nếu đang đeo găng, bạn phải bỏ nó ra trước khi bắt tay.
- Khi bắt tay người phụ nữ cao tuổi hơn hoặc cấp trên, bạn nên hơi cúi đầu để tỏ phép lịch sự và kính trọng. Cũng có thể bắt bằng cả hai tay khi cần biểu lộ sự tôn kính và vui mừng, nhưng luôn giữ thái độ tự nhiên, cung cách đàng hoàng để khỏi trở thành khúm núm, lố bịch.
- Tùy mức độ thân mật mà nắm tay lâu hay nhanh, chặt hay lỏng, lắc nhiều hay ít. Dù thế nào bạn cũng không nên nắm chặt quá và giữ tay lâu quá, nhất là đối với phụ nữ. Bắt tay quá lỏng là thể hiện sự thiếu nồng nhiệt và mất lịch sự.
- Khi đang ngồi, nếu cần bắt tay, bạn nên đứng dậy hoặc ít ra cũng phải nhướn người lên khỏi ghế để biểu lộ sự tôn trọng và phép xã giao tối thiểu.
- Ở nơi công cộng đông người hoặc khi di chuyển, bạn chỉ nên bắt tay những người ở vị trí gần mình. Đối với những người ở xa khi nhìn thấy nhau, bạn chỉ cần cúi đầu chào là được.
Bí quyết... bắt tay
Một cái bắt tay dứt khoát và mạnh mẽ gây ấn tượng với cả nam giới và nữ giới. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, có mối liên hệ mật thiết giữa những đặc trưng của một cái bắt tay "tiêu chuẩn" (về thời gian, về độ chặt chẽ, về giao tiếp mắt trong khi nắm...) với những ấn tượng tốt đẹp trong buổi đầu tiếp xúc.
Trong cuộc sống hiện đại, việc bắt tay khi gặp gỡ đã trở thành một thông lệ không thể thiếu. Tuy nhiên, không chỉ là một hành động đơn thuần, bắt tay đã gần như trở thành một tín hiệu báo hiệu cho đối tác biết về con người, cá tính và mức độ tự tin của bạn trước đối tác.
Vậy bí quyết để có được một cái bắt tay hoàn hảo là gì? Hãy làm theo những lời khuyên sau của các chuyên gia:
Chủ động bắt tay trước
Bất cứ lúc nào, trong công việc, trong các cuộc phỏng vấn xin việc, trong các cuộc họp... bắt tay cũng là một nghi lễ không thể thiếu. Thông thường, một cái bắt tay đúng quy cách nên là một cái bắt tay chắc chắn, thể hiện sức mạnh, lòng nhiệt thành và sự chuyên nghiệp của bạn.
Bắt tay cũng thể hiện sự nồng nhiệt và thân thiện. Nói như bác sĩ tâm lý, nhà tâm thần học nổi tiếng Nancy B.Irwin thì "thông thường những người đưa tay chủ động là người mạnh mẽ. Ở Mỹ, bắt tay trước còn cho thấy bạn là người cởi mở, tự tin và thú vị".
Đặt lòng bàn tay của bạn vào lòng bàn tay của đối tác
Ông Dale Webb và ông Pauline Winick, sáng lập viên đồng thời và giám đốc một trung tâm chuyên về nghi thức giao tiếp ở Mỹ lại nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quy cách bắt tay. Theo họ, khi bắt tay, bạn nên đưa tay ra với bàn tay duỗi thẳng và ngón tay cái hướng thẳng về phía trước.
Nắm chặt tay đối phương
Những cái bắt tay trông uể oải biểu lộ sự nhút nhát, rụt rè, mất tính chủ động, thậm chí trông rất thiếu thiện cảm đối với người khác, chẳng khác gì một thái độ giao tiếp miễn cưỡng và tất nhiên đối tác của bạn cảm thấy chán ngay từ lần gặp đầu tiên. Do đó bạn nên tạo ấn tượng tốt đẹp cho đối tác bằng cái bắt tay với thái độ thiện chí và mạnh mẽ. Điều này đúng cả với phụ nữ, những người thường được coi là phái yếu.
Nhẹ nhàng với từng đối tượng
Khi bắt tay những người lớn tuổi hơn, bạn nên cẩn thận, không nên nắm quá chặt bởi những cái nắm tay quá chặt thường gây đau đớn cho đối tác. Ngay cả việc bắt tay quá nhanh và quá mạnh cũng thường gây nên những tổn thương tương tự. Nên nhớ, rất nhiều người có làn da nhạy cảm và dễ bị dị ứng, thậm chí có người xương còn bị yếu, do đó, khi bắt tay bạn cũng không nên lắc quá mạnh.
Đưa cả hai tay
Khi bắt tay bày tỏ lời chúc mừng ai đó, bạn nên đưa cả hai tay. Bởi theo lời khuyên của các chuyên gia, khi bắt tay và dùng cả hai tay bạn nắm chặt tay đối tác, bạn sẽ biểu lộ được với đối tác rằng bạn đang chia sẻ niềm vui, sự ấm cúng và niềm tự hào đối với họ. Tuy nhiên, cũng không nên lạm dụng điều này, bởi đôi khi nó lại phản tác dụng, làm cho đối tác có cảm giác bị chế ngự và đe dọa. Tốt nhất hãy sử dụng cách này với những người thân quen hoặc bạn đã biết rõ.
Không phân biệt phái mạnh hay phái yếu
Trong môi trường làm việc hiện đại, cả phụ nữ và nam giới đều phải bắt tay. Do đó, tư tưởng người đàn ông phải chờ phụ nữ đưa tay ra bắt trước đã trở thành lỗi thời. Không nhất thiết phân biệt trước sau, nam nữ.
إرسال تعليق