Phân biệt Internet, Intranet và Ethernet


         Bạn thấy đó, cả ba thuật ngữ Internet, Intranet và Ethernet đều chung một họ nhà Net (mạng).

INTERNET:

         Internet thì đã quá quen thuộc. Nó là mạng thông tin liên lạc toàn cầu.

         Xuất xứ của Internet là mạng ARPAnet, một hệ thống máy tính của Bộ Quốc phòng Mỹ được đưa ra thí nghiệm vào năm 1969. Mục đích ban đầu của nó là để tạo thuận lợi trong việc kết nối thông tin, hợp tác khoa học giữa các thành viên trong các công trình nghiên cứu về quốc phòng. Mạng này đã đặt ra nền tảng truyền thông bình đẳng (peer-to-peer) cho mạng Internet sau này. Nghĩa là, bất cứ máy tính nào hội đủ các điều kiện cơ bản để hòa mạng đều có thể giao tiếp với bất kỳ máy tính thành viên nào khác. Và chính nhờ được phát triển với mục đích gốc là phục vụ việc liên lạc, chia sẻ, hợp tác khoa học, công nghệ Internet cho phép mọi hệ thống đều có thể kết nối với Internet qua cổng điện tử. Hiện nay đã có hơn 100 nước với hàng chục triệu máy tính kết nối vào mạng Internet.

         Mạng máy tính toàn cầu World Wide Web này không chỉ phục vụ nhu cầu thông tin, liên lạc, chuyển tải dữ liệu, mà cung cấp các dịch vụ cho phép người tiêu dùng có thể mua vô số món hàng hóa theo phương thức trực tuyến (online), nghĩa là chọn hàng, đặt hàng và thanh toán qua mạng.

INTRANET:

         Intranet là mạng thông tin, liên lạc cục bộ cũng dùng giao thức TCP/IP như Internet, của một tổ chức nào đó (thường là một công ty) chỉ cho phép các thành viên công ty hay những người được cấp quyền truy cập. Người dùng máy tính ở Việt Nam trước khi được ngao du trên mạng Internet như hiện nay, hồi nẳm đã được làm quen với mạng Intranet, như Cinet, Phương Nam,...

         Do là mạng cục bộ, tuy bạn cũng dùng giao thức quay số kết nối Dial-up bằng modem tới số điện thoại máy chủ và duyệt thông tin, tải file, gửi và nhận e-mail giống hệt với Internet; nhưng khác là chỉ loanh quanh trong phạm vi mạng mình làm thành viên, không thể liên thông với các mạng khác chứ đừng nói chi héo lánh ra được tới mạng Internet.

         Có thể nói cho dễ hiểu, Intranet là mạng Internet cục bộ.

ETHERNET:

         Ethernet là một kiến trúc mạng cục bộ LAN (local area network, LAN) do hãng Xerox phát triển.

         Mạng Ethernet đầu tiên đã được nhà nghiên cứu Bob Metcalfe thiết kế và chạy thử tại Trung tâm Nghiên cứu Palo Alto của hãng Xerox vào năm 1973. Trong mạng này, các máy tính trang bị card mạng có thể kết nối với nhau thông qua một máy chủ bằng một sợi cáp duy nhất. Tới năm 1976, nó đã được nhóm Digital Equipment, Intel và Xerox hợp tác phát triển thành một tiêu chuẩn chung (còn gọi là DIX Ethernet). Nhưng nó chỉ thật sự phổ biến rộng khi hồi đầu thập niên 1980, Viện các Kỹ sư Điện và Điện tử (IEEE) chính thức chuẩn hóa một mạng CSMA/CD có chức năng tương tự và gọi là chuẩn IEEE 802.3, hợp chuẩn quốc tế ISO.

         Xin lưu ý, Ethernet và IEEE 802.3 chỉ hơi khác nhau về mặt thuật ngữ và định dạng dữ liệu cho các frame. Còn lại thì chúng như anh em sinh đôi. Vì thế, ngày nay, người ta dùng thuật ngữ Ethernet để gộp chung hai chuẩn DIX Ethernet và IEEE 802.3.

         Ban đầu, mỗi thiết bị trong mạng Ethernet chỉ có thể cách nhau tối đa vài trăm mét. Các ứng dụng công nghệ mới đã giúp kéo dài khoảng cách này tới hàng chục km. Ứng dụng phổ biến nhất của mạng Ethernet quen gọi là mạng LAN (local area network, mạng cục bộ), nối kết các máy tính trong một đơn vị (thường là chung một tòa nhà) lại với nhau thông qua máy chủ. Còn nếu phải kết nối xa hơn, có khi cách nhau nhiều cây số, người ta dùng công nghệ mạng diện rộng WAN (wide area network).

 Mô hình kết hợp Ethernet với chuẩn kết nối không dây qua hệ điều hành Windows XP.

         Tốc độ truyền tải dữ liệu ban đầu của Ethernet LAN là 10Mbps (10Base). Sau này phát triển lên 100Mbps (100Base), còn gọi là Fast Ethernet. Chuẩn cao cấp nhất hiện nay là Gigabit Ethernet LAN (1000Base), đạt tốc độ tới 1 Gbps. Nhưng tốc độ của nó cũng đang được một nhóm gọi là Liên minh 10 Gigabit Ethernet (10 Gigabit Ethernet Alliance, 10GEA) thành lập năm 2002 cố gắng đẩy lên tới 10 Gbps (sử dụng cáp sợi quang), gọi là chuẩn 10GbE.

         Hiện nay, các mainboard thế hệ mới nhất đều hỗ trợ chuẩn GigaLAN. Trên thị trường Việt Nam cũng đã bắt đầu xuất hiện một số LAN switch 1 Gbps.


1 تعليقات

إرسال تعليق

أحدث أقدم