[Review sách] Ba quy luật của hiệu quả – Viết lại tương lai

 


Trích: Ba quy luật của hiệu quả.

Một vị tộc trưởng da đỏ Cherokee già đang giảng giải cho cháu trai về cuộc sống:

“Có một cuộc chiến đang diễn ra bên trong ông, đó là một cuộc chiến quyết liệt giữa hai con sói. Một con là sói ác độc – nó chính là giận dữ, ghen tị, buồn phiền, nuối tiếc, tham lam, kiêu ngạo, tự ti, tội lỗi, oán giận, mặc cảm, dối trá, sĩ diện, tự cao, hoài nghi bản thân… Con sói còn lại là tốt lành – nó chính là niềm vui, hòa bình, tình yêu, hy vọng, bình yên, khiêm tốn, tử tế, nhân từ, cảm thông, rộng rãi, sự thật, lòng trắc ẩn và niềm tin… Một cuộc chiến như thế cũng đang diễn ra trong lòng cháu – và trong lòng tất cả mọi người xung quanh chúng ta”.

Cậu bé suy nghĩ về những gì vừa nghe rồi hỏi ông:

“Vậy con sói nào sẽ chiến thắng?”

“Con sói mà cháu nuôi”.

Mình biết đến cuốn sách Ba quy luật của hiệu quả từ một khóa đào tạo nội bộ nơi mình từng làm việc, những quy luật trong cuốn sách này được ứng dụng rộng rãi trong nhiều doanh nghiệp để giúp mọi người từ nhân viên tới quản lý có một bộ ngôn ngữ và quy tắc ứng xử chung mà chúng có sức mạnh kì diệu khiến doanh nghiệp đạt được những mục tiêu và thành tựu to lớn, thậm chí thay đổi theo hướng tích cực một cách ngoạn mục.

Ba quy luật của hiệu quả được đúc kết trong cuốn sách này là:

Quy luật 1: Kết quả mà mỗi người đạt được tương xứng với cách thức họ nhìn nhận tình huống xảy ra với mình

Quy luật 2: Cách chúng ta nhìn nhận vấn đề bắt nguồn từ ngôn ngữ.

Quy luật 3: Ngôn ngữ gợi mở tương lai có khả năng làm thay đổi cách con người nhìn nhận tình huống.

Khi ba quy luật này được phát biểu, nó có vẻ hơi khó hiểu một chút nhưng nhìn chung nó đều được phát triển từ Luật Hấp dẫn, cộng với việc có những từ khóa riêng và những câu chuyện thực tế trong toàn bộ cuốn sách sẽ giúp độc giả hiểu một cách sâu sắc hơn về cuốn sách này.

Về cơ bản, những quy luật này giúp chúng ta có một cái nhìn cởi mở hơn về những sự vật, sự việc và con người mà chúng ta gặp. Giống như những nhân vật phản diện trong các câu chuyện và bộ phim: They did the wrong things for the right reasons! Sau đó, việc chúng ta cần làm là sử dụng ngôn từ một cách tích cực và khéo léo – giống như tự ám thị – đối với bản thân và tập thể để cùng kiến tạo nên tương lai tốt đẹp hơn.

Có một nguyên tắc rất hay không chỉ trong cuốn sách này mà còn trong Tư duy Thiết kế – Design Thinking, đó là quá trình tham gia của mọi thành viên sẽ giúp họ cảm thấy được thấu cảm, được lắng nghe, thấy bản thân là một phần của dự án, của tập thể và dần dần chuyển hóa, từ đó họ sẽ cam kết đi đến tận cùng để đạt được mục tiêu chung.

Có một điểm trừ cho cuốn sách này là khi chúng ta muốn áp dụng nó trong công việc và cuộc sống thì phải có “đối tác” tức là những người cùng tham gia vào mạng lưới đó phải cùng đọc cuốn sách này thì mới có hiệu quả. Những cách áp dụng ba quy luật phải là tương tác hai chiều. Nếu chỉ có một người hiểu và áp dụng trong khi những người còn lại không hiểu bản chất của các định luật này thì mọi nỗ lực coi như công dã tràng.

Tóm tắt lại, Ba quy luật của hiệu quả là một cuốn sách hay, tuy bản dịch tiếng Việt hơi có chút tối nghĩa so với tiếng Anh nhưng nó ít nhiều cũng truyền đạt được những thông tin hữu ích. Cuốn sách đã dành được rất nhiều lời khen từ Micheal C.Jensen – Honor professor, Harvard university.

Steve Zaffron và Dave Logan, hai tác giả của cuốn sách còn phát triển ba quy luật của hiệu quả này thành chương trình tư vấn Vanto – chuyên thiết kế và thực hiện các sáng kiến quy mô lớn để nâng cao kết quả của tổ chức. Chương trình này đã tạo ra các sáng kiến lớn cho hơn 300 doanh nghiệp tại hơn 20 quốc gia.

Post a Comment

أحدث أقدم