Cách làm mạch in bằng tay full





Hiện nay trong giới sinh viên và làm nghề có rất nhiều cách vẽ để tạo mạch in đẹp, riêng cách này do mình nghĩ ra cách nay khoảng 20 năm rồi, mà hiện nay chưa thấy forum nào làm giống mình, nên mình đăng ký bản quyền công nghệ ở VNAV này, lâu rồi, mình không có nhu cầu vẽ kỹ nghệ họa nên không quan tâm đến loại ngòi bút này hiện đã có bán chưa, nhưng mình nghĩ, đã có máu DIY thì chế ngòi bút bằng kim tiêm cũng ok lắm, tỷ lệ pha sơn móng tay thì các bạn cứ làm thực nghiệm đi, mình cũng chỉ pha nhắm chừng thôi, nếu mực không xuống thì pha loãng thêm, nếu mực xuống nhiều thì pha đặc lại, tiện đây, mình cũng nêu ra một số cách tạo mạch in đang làm phổ biến hiện nay:


- In lụa.
- Vẽ tay bằng bút lông.
- Vẽ tay bằng cọ sơn.
- Chụp tia cực tím bằng chất cảm quang.
- In vi tính mực laser trên giấy láng, rồi ủi nóng lên mạch in cho mực từ giấy dính qua bản đồng, rửa bằng nước cho giấy tróc ra còn mực ở lại. cách này hiện nay đang phổ biến trong giới sinh viên, vài lời đóng góp cho phong trào DIY VN tiến mạnh.Em thì có cách làm như sau, đảm bảo tuyệt hảo luôn mà lại rất dễ. Không cần bút đặc chủng mà cũng chẳng cần phải đi thuê cắt decan:


1. Dùng phần mềm thiết kế để vẽ mạch, sau đó xuất ra file ảnh (có thể là jpg chẳng hạn). Nếu là mạch do người khác thiết kế và lưu thành dạng ảnh rồi thì bỏ qua bước này.

2. Dùng một phần mềm xử lý ảnh (Photoshop) để lật ảnh theo chế độ Mirror.

3. Lấy một tờ giấy Sticker, loại hay dùng để làm label trong văn phòng, tốt nhất là lấy loại có khổ A4 để in cho dễ dàng. Bóc bỏ lớp giấy trắng, chỉ giữ phần giấy nên màu vàng có một mặt rất bóng, nhẵn.

4. Dùng máy in laser in cái ảnh của mạch nên mặt bóng của tờ giấy ở trên.

5. Dùng giấy nhám mịn, đánh bóng miếng phôi mạch in (tôi thường dùng loại kem đánh bóng đồng để lau cho nhanh và bóng).

6. Úp cái mặt giấy có chứa phần mạch in tiếp xúc vào tấm đồng vừa đánh bóng. Đè tiếp một tờ giấy nên trên.

7. Dùng bàn là để ở chế độ nóng vừa phải là đều nên tờ giấy. Sau một lúc thì nhẹ tay bóc tờ giấy ra. Khi đó toàn bộ phần mạch in bằng laser sẽ bám vào mặt tấm đồng.

8. Có thể dùng bút dạ kính để sửa lại những chỗ chưa ưng ý.

9. Đem ngân dung dịch ăn mòn là có được tấm mạch in mĩ mãn.

Chúc mọi người có được những tấm mạch in tinh xảo. 

Làm mạch in tại nhà - Make PCB at home

Bài viết này chỉ phù hợp với môi trường VN và dành cho các bạn DIYer VNese nên tôi quyết định sử dụng tiếng Việt cho các bạn dễ hiểu

1. Tại sao bạn cần PCB.



-Để đơn giản cách thức chạy mạch, đi dây, bố trí linh kiện
-Để trông dự án của bạn "Pro" hơn
-Làm cho giống người ta...
2. Có mấy cách làm mạch in


Nhiều lắm...
-Dùng bàn ủi
-Dùng sơn hấp thụ nhiệt từ tia cực tím
-In lụa
-Dùng mắy cắt CNC hoặc máy phay
-Dùng máy làm PCB chuyên dụng
-Dùng bút lông gốc dầu mà vẽ mạch bằng tay
Trong khuôn khổ đơn giản, ít tốn kém, mạch in sắc sảo chi tiết, dễ thực hiện chúng ta chỉ có mỗi cách là dùng bàn ủi mà thôi.
3. Cần những gì để làm một bản mạch in hoàn chỉnh


-1 board đồng trắng, bằng sợi thuỷ tinh càng tốt.
-1 gói thuốc rửa mạch (FeCl3, Sắt 3 Clorua)
-1 Tờ giấy thủ công của học trò hoặc giấy in loại photo paper (giấy này hơi mắc chút)
-Máy in lazer (để cho ra bản in sắc nét), có ở nhà càng tốt hoặc phải ra ngoài in.
-Bàn ủi
4. Các bước chung của các cách làm mạch in


-Dùng bút lông để vẽ, hoặc sơn, hoặc in... lên board đồng thành hình mạch điện như ý muốn nhằm bảo vệ phần đồng đó khỏi tác dụng của thuốc rửa.
-Ngâm board đồng đã in mực chạy đường mạch điện trong thuốc rửa. Thuốc rửa thường là dung dịch FeCl3, HCL... Tốt nhất là FeCl3, vì nó không không hại da tay và môi trường vì nó không phải là axit mà là một dạng muối kim loại yếu, tuy nhiên nó mà giây vào áo thì giặt không ra đâu đấy. Phần đồng không được mực in hoặc sơn bảo vệ sẽ bị ăn mòn đi.
-Rửa sạch board, in chữ ghi chú lên board, khoan lỗ trên board, phủ lớp bảo vệ lên board.
5. Cách thực hiện:Đầu tiên bạn cần một board đồng trắng. Board đồng này dễ dàng mua ở Chợ Giời hay chợ Nhật Tảo. Trước khi ủi mạch bạn cần phải dùng miếng chà xoong nồi, hoặc miếng màu xanh rửa bát để chà sạch board đồng trong nước xà bông. Bạn không nên dùng giấy nhám (giấy ráp) vì giấy nhám sẽ làm trầy board đồng rất nhiều và có thể làm hỏng board. Board đồng càng sạch thì càng ăn mực tốt.

Sau đó bạn cần chuẩn bị mạch in. Bạn có thể dùng Protel, Orcad, Eagle hay bất cứ trình nào có thể vẽ mạch được và in nó ra tờ giấy thủ công học trò bạn chuẩn bị sẵn. Bạn cần in lên mặt có màu của giấy thủ công. Bạn nên chọn màu sáng (như màu vàng) để khi ủi dễ dàng nhìn thấy đường mạch in xuyên qua lớp giấy hơn.












Vì tờ giấy quá mỏng nên rất dễ kẹt trong máy, thậm chí bị cuộn sấy khô giấy nó quấn luôn làm gỡ ra rất khó khăn. Thế nên bạn cần dán nó vào một tờ giấy A4 loại tương đối dầy, loại mỏng vẫn ổn thôi.Tiến hành cắt hình mạch in ra và áp lên board đồng và dùng bàn ủi đè lên. Chú ý, đùng vặn bàn ủi lên tối đa và để lâu, nó có thể làm cong board đồng và ảnh hưởng đến đường nét mực dính trên board đồng. Ngoài ra nhiệt độ có thể làm lớp đồng bị phồng rộp, bong ra khỏi bảng gỗ. Tuy nhiên cũng không nên để nhiệt độ thấp quá, nhiệt độ cao thì giúp ta ủi nhanh hơn.


 










Ủi đều tay, áp lực đều tất cả các chỗ có đường nét, lúc này giấy thủ công màu sáng sẽ giúp bạn thấy được chỗ nào có đường nét mực in để ta tập trung ủi kỹ chỗ đó. Ủi chừng 2-5 phút, rồi để nguội một chút, giấy nó sẽ co lại nhăn nheo và phần nào không dính lên board đồng sẽ phồng lên. Bạn có thể kiểm tra lại theo đường mạch xem có chỗ nào bị bong không ăn mực không. Và có thể ủi lại chỗ bị bong hay chỗ nào bạn nghĩ mực chưa ăn. Nếu đã ủi quen, bạn có thể vặn maximum nhiệt độ lên và chỉ cần ủi trong 5-10 giây là đủ. Chỗ nào không ăn mực thì thường là chỗ đó dính bẩn, dính mỡ, dầu... làm cho mực không dính được, như thế thì có ủi thêm 5 phút nữa chỗ đó nó cũng không ăn. Cũng chú ý là nên áp lực đều tay, đừng đè quá mạnh kẻo làm đường nét nó bị loe ra. Có bạn feedback với tôi rằng bạn ấy chỉ đè bàn ủi lên chứ không di chuyển bàn ủi lên xuống, tôi thấy cũng hay, nét ủi của bạn ấy ủi ra cứng cáp, không bị run rẩy như của tôi. Vì khi ủi tới lui, lên xuống, tôi đã vô tình làm cho mực không nằm in một chỗ mà loe ra chỗ này một ít chỗ kia một ít nên thành ra đường nét hơi run rẩy.Đây là board đồng đã ủi xong nhưng chưa bóc giấy ra và board đồng còn nóng hổi nên giấy chưa phồng lên.





Board đồng đã đem ngâm nước cho giấy nó mục ra và chuẩn bị bóc giấy ra.



Lột ra từ từ



Chỗ nào khó lột ra thì lấy mũi nhọn compass mà khều giấy ra. Nên lột giấy ra khi giấy còn ướt, nếu giấy khô lại thì có thể nhúng vào nước rồi tiếp tục lột từ từ.



Ngoài ra các lỗ để khoan cũng cần đục thông suốt. Như thế khi khoan board chúng ta sẽ dễ khoan chính xác hơn và khó có thể bị lệch ra ngoài.


Mạch đã lột sạch sẽ. Sẽ có một vài chỗ không ăn mực, vì máy in của tôi in không đều mực, chỗ đậm chỗ lợt. Nhất là tình trạng mực in lazer dỏm, bị pha tro vào để giảm giá thành mỗi lần nạp lại mực, chất lượng loại mực này hết sức là kinh dị. Gặp trường hợp này thì chỉ biết khóc, vì rửa sạch board cỡ nào đi nữa, ủi xong mạch rỗ vẫn cứ hoàn rỗ...


Dùng bút lông viết CD (bút lông gốc dầu) để tô lại những phần mạch in không ăn mực, phần mạch bị dứt...



Sau khi chỉnh sửa mạch hoàn chỉnh đẹp đẽ rồi ta sẽ tiến hành ngâm board. Bạn cứ bỏ board vào một khay nhựa, đổ thuốc rửa vào (bột FeCl3), cho nhiều thuốc một chút, đừng tiết kiệm làm gì, nhưng cũng đừng cho hết cả gói thuốc vào khi xài cho một board đồng loại nhỏ. Khi rửa mạch nhiều lần bạn sẽ ước lượng tốt hơn số thuốc cần để rửa mạch.



Cái khay nhựa này lúc trước tôi dùng để đựng vecni quét lại cái tủ gỗ rồi vất vưởng ngoài ban công, lúc ngâm mạch ngó thấy nên sử dụng luôn khỏi mất công rửa lại. Cái màu nâu đen dính vương vãi cả khay nhựa ấy là màu của vecni đó.


Châm nước vào. Nó sẽ bốc khói và nóng, vì đặc tính của FeCl3 là hút nước rất dữ dội. Cẩn thận khi bạn cho nước sôi vào. Vì nhiệt độ cao sẽ tăng khả năng hút nước của nó và có thể sẽ làm nước sôi bắn tung toé ra người bạn. Bạn cứ cho nước từ vòi nước máy là được. Với mức thuốc và board như hình thì sau chừng 1 phút ta đã thấy một chút hiệu quả.


Mạch đồng đã ăn mòn xong. Sẵn sàng để rửa sạch mực in.



Vì tôi không cưa ra lúc đầu nên giờ phải cưa ra từng mạch một



Khoan lỗ luôn trước khi chà sạch mực in và sơ giấy thủ công còn dính.



Dùng miếng bùi nhùi chà xoong nồi hoặc miếng rửa bát màu xanh để chà bay sạch mực in đi, phần đồng sáng loá sẽ lộ ra ngay. Bạn nên nhúng tí nước để chà thì đồng sẽ đỡ bị trầy hơn và mực dễ bay hơn.


Đây là kết quả cuối cùng của chúng ta.
Ngoài ra chúng ta có thể dùng nhựa thông nghiền thành bột rồi hơ nóng cho tráng đều lên board tạo thành một lớp bảo vệ đồng khỏi bị ôxy hoá.
Chắc bạn cũng thắc mắc tại sao không có cái màu xanh giống mấy board mạch thông thường? Đơn giản thôi, cái lớp màu xanh ấy là sơn Polime chịu nhiệt sơn lên để bảo vệ mạch in và tránh dây chì hàn lên mạch in giúp mạch in đẹp đẽ. Chúng ta thì không cần lắm đâu. Nếu bạn thích thì sau khi hàn linh kiện, dây dẫn xong xuôi, bạn có thể dùng sơn A10 (trong suốt) hoặc các loại sơn màu khác sơn lên board đồng để bảo vệ lớp đồng khỏi ôxy hoá, tác dụng cũng tương tự cái chất phủ xanh ấy.

Đến đây bạn đã đủ khả năng tự làm một board đồng tại nhà rồi.
Chúc các bạn DIY thành công.
Sưu Tầm Từ Blog Hoàng Vũ Hiệp

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn