Trận Trân Châu Cảng là một đòn tấn công quân sự táo bạo bất ngờ do Hải quân Nhật Bản tiến hành vào sáng Chủ Nhật, ngày 7/2/1941, dẫn đến việc Mỹ quyết định "nhập cuộc" Chiến tranh thế giới thứ hai.
Cuộc tấn công bao gồm hai đợt không kích với tổng cộng 353 máy bay xuất phát từ 6 tàu sân bay Nhật Bản. Trận tấn công đã đánh chìm 5 thiết giáp hạm Mỹ và làm hư hỏng cho 4 chiếc khác. Quân Nhật còn đánh chìm 3 tàu tuần dương, 3 tàu khu trục và 1 tàu thả mìn, phá hủy 188 máy bay, gây tổn thất về nhân mạng là 2.402 người tử trận và 1.282 người khác bị thương. Thiệt hại về phía Nhật Bản nhỏ, chỉ mất 29 máy bay và 65 quân nhân thương vong. Trân Châu Cảng là căn cứ chính của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ (kể từ năm 1940). Trân Châu Cảng có điều kiện tự nhiên lí tưởng để bảo vệ hạm đội chống lại mọi sự tấn công từ bên ngoài. Việc bố phòng ở cảng hết sức cẩn mật với một hệ thống lưới thép đặc biệt chống ngư lôi và tàu ngầm. Do vị trí gần như ở giữa vùng Bắc Thái Bình Dương, Trân Châu Cảng vừa là căn cứ chỉ huy, căn cứ hậu cần, là cơ sở bảo duỡng, sửa chữa các chiến hạm của hạm đội Thái Bình Dương. Từ căn cứ này, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ có thể khống chế toàn bộ vùng Bắc Thái Bình Dương bằng các lực lượng tàu nổi, tàu ngầm và không quân của Hạm đội. Cuộc tấn công Trân Châu Cảng có nhiều mục đích. Trước tiên, người Nhật hy vọng sẽ ngăn cản được Hạm đội Thái Bình Dương can thiệp vào việc Nhật chinh phục Đông Ấn. Kế tiếp, người Nhật tranh thủ thời gian để củng cố vị thế và tăng cường sức mạnh hải quân, trước khi các tàu chiến mới của Mỹ được chế tạo theo Đạo luật Vinson-Walsh. Cuối cùng, nó được trù tính sẽ là một đòn mạnh giáng vào tinh thần của người Mỹ, có thể gây nản lòng, cho phép Nhật tiếp tục chinh phục Đông Nam Á mà không bị can thiệp. Diễn biến trận tấn công Trân Châu Cảng Ngày 26/11/1941, một Lực lượng đặc nhiệm Nhật Bản gồm 6 tàu sân bay cùng một số tàu hộ tống và tàu chở dầu tiếp nhiên liệu, dưới quyền chỉ huy của Phó Đô đốc Chuichi Nagumo đã lên đường rời miền Bắc Nhật Bản đi đến một địa điểm ở phía Tây Bắc Hawaii và dự kiến tung số máy bay trên tàu (405 chiếc) để tấn công vào Trân Châu Cảng. Cuộc tấn công dự định được chia làm hai đợt với 360 chiếc dành cho hai đợt tấn công và 48 máy bay làm nhiệm vụ phòng thủ tuần tra chiến đấu trên không. Đợt thứ nhất sẽ là đòn tấn công chủ lực, trong khi đợt thứ hai sẽ hoàn tất những công việc còn sót lại. Đợt thứ nhất mang theo phần lớn vũ khí, chủ yếu là ngư lôi, để tấn công các tàu chủ lực. Để bảo đảm bí mật, đoàn tàu của Phó Đô đốc Chuichi Nagumo được lệnh đánh chìm mọi tàu bè của các nước trung lập mà nó gặp. May mắn thay, trong suốt cuộc hành hình hơn 10 ngày, quân Nhật không gặp một tàu bè nào trên đường đi. Đúng 7 giờ 50 phút, trái bom đầu tiên rơi xuống Trân Châu Cảng. Thủy thủ trên các tàu chiến Mỹ tỉnh giấc do tiếng báo động, bom nổ và tiếng súng. Các kho đạn còn đang bị khóa lại, máy bay đậu sát cánh lại với nhau ngoài bãi đậu để ngăn ngừa phá hoại, các khẩu pháo phòng không có binh sĩ trực chiến. Hai quả ngư lôi đầu tiên đã đánh trúng thiết giáp hạm Oklahoma. Hai giây sau, thêm 2 quả nữa đập mạnh vào sườn tàu và nổ tung. Tàu không bị chìm ngay, nhưng nước vẫn vào. Vài phút sau nó lại nhận thêm một chùm bom nữa. Loạt ngư lôi tiếp theo đánh trúng chiếc USS Utah, vốn là một thiết giáp hạm đã 33 năm đi biển, nay được tháo bỏ mọi vũ khí để trở thành chiếc tàu bia dành cho huấn luyện. Tiếp đó các thiết giáp hạm West Virginia và California bắt đầu bị trúng ngư lôi (riêng thiết giáp hạm California trúng phải hai bom và hai ngư lôi). Khói đen cuồn cuộn bốc lên từ nhũng chiếc tàu bị ngư lôi đánh trúng. Người Mỹ cho rằng độ sâu của vịnh biển chỉ 10m không thể phóng ngư lôi được, cho nên họ chỉ đề phòng máy bay ném bom và tàu ngầm mà không thả lưới ngăn ngư lôi quanh các chiến hạm. Họ đã phải trả giá trước phát minh mới của người Nhật về cách dùng ngư lôi ở vùng biển nông: cho máy bay bay sát mặt biển với tốc độ chậm để phóng ra những quả ngư lôi lướt trên mặt nước với tốc độ cũng rất chậm, chỉ khoảng 30-40 hải lý/giờ. Tám phút sau khi bị quả ngư lôi đầu tiên đánh trúng thiết giáp hạm Oklahoma đã bị lật nhào. Hơn 400 sĩ quan và thủy thủ mắc kẹt bên trong chết chìm cùng với tàu. Tiếp theo đó, thêm một loạt bom và ngư lôi đánh trúng chiếc California khiến nó bốc cháy dữ dội và chìm tại chỗ chỉ còn nhô mấy cột buồm lên khỏi mặt nước. Chiếc Arizona bị ngư lôi đánh hụt, nhưng các máy bay ném bom đã ném trúng nó 5 trái bom cùng một lúc. Một trong 5 trái bom chui vào ống khói xuống bên dưới nổ ngay ở hầm chứa đạn. Chiếc tàu phát nổ long trời lở đất với một cột khói và lửa cao 300m rồi gãy làm đôi trong 9 phút. Cả hai phần tàu chúi xuống biển rồi từ từ chìm dần làm 1.102 người chết theo tàu. Thiết giáp hạm USS West Virginia trúng phải bảy ngư lôi, quả thứ bảy xé rách bánh lái của nó. Trong giây lát, chiếc West Virginia bốc cháy và chìm xuống biển khi vẫn giữ thăng bằng. Thiết giáp hạm USS Oklahoma trúng phải bốn ngư lôi, hai quả cuối cùng chạm đích phía trên đai giáp bảo vệ làm cho nó bị lật úp. Nếu như hải quân chỉ lo đối phó với tàu ngầm thì lục quân và không quân của lục quân trên đảo không hề chuẩn bị đối phó với một cuộc tấn công bằng không quân. Theo lệnh tướng Short, máy bay trên các sân bay đều được xếp thành từng tốp cánh sát cánh và thẳng hàng với nhau trên những bãi đậu hoàn toàn trống trải. Bố trí như vậy là để chống phá hoại máy bay, nhưng lại tạo ra điều kiện lý tưởng để không quân dịch tiêu diệt chúng. Các thủy phi cơ tại căn cứ Kaneohe của hải quân cũng xếp hàng thẳng tắp. Loạt bom đầu tiên đã rơi xuống sân bay Wheeler, căn cứ chính của các chiến đấu cơ. Các sĩ quan không quân Hoa Kỳ đang ngủ trong một doanh trại gần sân bay choàng tỉnh dậy, có người tưởng là động đất, người khác cho rằng máy bay của hải quân diễn tập. Nhưng khi chạy ra ngoài thì họ đã hiểu: các máy bay Nhật nối tiếp nhau bổ nhào xuống ném bom sân bay. Chỉ trong ít phút đầu, các căn cứ không quân của lục quân là Wheeler, Hickam, Bellows cũng như các căn cứ không quân của hải quân ở Kaneohe, đảo Ford và sân bay Ewa đều bị tàn phá khủng khiếp. Không một máy bay nào của Hải quân Mỹ có thể cất cánh vì hầu hết đã bị phá hủy. Các thủy phi cơ đã chìm hoặc cháy ngay trong nhà để máy bay. Trên tất cả các sân bay của lục quân Mỹ, cũng chỉ có 10 máy bay cất cánh. Trong trận không chiến không cân sức trên bầu trời Oahu sáng hôm đó, các máy bay này đã hạ được 11 máy bay Nhật. Tổn thất của hai phía Cuộc tấn công Trân Châu Cảng kéo dài 90 phút - với 2.386 người Mỹ bị thiệt mạng, 1.139 người khác bị thương và 18 tàu chiến bị đánh chìm, trong đó có 5 chiếc thiết giáp hạm. Trong số 402 máy bay Mỹ có mặt tại Hawaii, 188 chiếc bị phá hủy và 159 chiếc bị hư hỏng. Hầu như không có chiếc nào thực sự sẵn sàng để cất cánh nhằm bảo vệ căn cứ. Trong số 33 chiếc thủy phi cơ PBY ở Hawaii, 24 chiếc bị phá hủy và 6 chiếc khác bị hư hỏng nặng đến mức không thể sửa chữa. Về phía Nhật, 55 phi công và chín thủy thủ tàu ngầm tử trận cùng một người bị bắt làm tù binh. Trong số 414 máy bay tham gia tấn công, 29 chiếc bị mất trong trận đánh (9 chiếc trong đợt tấn công thứ nhất và 20 chiếc trong đợt thứ hai), cùng 74 chiếc khác bị hư hại do hỏa lực phòng không từ mặt đất. May mắn cho phía Mỹ là các tàu sân bay Hoa Kỳ đã không bị đụng đến trong cuộc tấn công Trân Châu Cảng. Nếu không, khả năng tác chiến của Hạm đội Thái Bình Dương sẽ bị tê liệt trong khoảng một năm. Một số hình ảnh tư liệu về trận Trân Châu Cảng
|
إرسال تعليق