Tại sao khi quay màn hình máy tính/điện thoại thường bị sọc sọc và nháy?

soc-man-hinh
Chắc ai cũng một hai lần nhận thấy khi chĩa máy quay vào màn hình TV, máy tính hay điện thoại để quay phim thì sẽ thấy trên màn hình của nó bị sọc đen rất nhiều, nếu tiếp tục quay thi đoạn video của bạn sẽ xấu và gần như không xem được. Tại sao lại có hiện tượng này? Tại sao mắt chúng ta xem TV thì không thấy sọc mà lên máy quay lại thấy? Làm sao để khắc phục? Mời các bạn đọc tiếp bên dưới.

Nguyên nhân của hiện tượng này là do:

  • Sự khác nhau về tần số quét giữa màn hình TV và của máy quay.

  • Sự khác nhau về cách mà chúng ta nhìn thấy các điểm ảnh trên TV với cách mà máy quay quay lại.


Để hiểu một cách thấu đáo, bạn cần phải biết cách hoạt động của một chiếc TV truyền thống trước. Nói đơn giản thì màn hình TV cũng có rất nhiều điểm ảnh gần giống như trên máy tính, điện thoại, và chúng được làm từ các hạt Phốt-pho. Để thắp sáng các điểm ảnh này (hiển thị hình ảnh), người ta sẽ cho một dòng điện (electron) chạy ngang qua các điểm ảnh, khi dòng electron chạy đến đâu thì điểm ảnh nơi đó sẽ phát sáng, nó thắp sáng từng hàng một từ trên xuống dưới cho đến khi hết màn hình.

Các điểm ảnh này phát sáng trong khoảng thời gian 1/30 giây nên mắt của chúng ta không kịp nhìn thấy những sự thay đổi bật/tắt của nó, cái mà chúng ta nhìn thấy được chỉ là một hình ảnh tĩnh hoặc động (động có nghĩa là hình ảnh chuyển động trên TV) chứ không thể thấy được từng hàng điểm ảnh chớp tắt riêng lẻ.

Còn đối với các máy quay phim, khoảng thời gian 1/30 giây mà các điểm ảnh phát sáng là quá ngắn, cảm biến của máy ảnh không nhạy cảm về "độ lưu sáng" nhiều như mắt của chúng ta, tốc độ quay phim của máy lại nhanh nên khi nhìn vào màn hình máy quay, bạn sẽ dễ nhìn thấy hiện tượng các hàng điểm ảnh bật/tắt một cách rõ ràng hơn. Các sọc đen trên màn hình chính là các hàng điểm ảnh lúc ở trạng thái tắt (không phát sáng) mà máy quay quay lại được. Còn hiện tượng các sọc này cuộn dọc trên màn hình là do máy quay và màn hình TV chưa được đồng bộ tốc độ quét với nhau một cách chính xác. Ở một số nơi kỹ thuật cao ví dụ như đài truyền hình, người ta cũng dùng máy quay để quay màn hình TV nhưng giữa hai thiết bị đó có gắn thêm một thứ dùng để đồng bộ tần số quét của hai máy lại với nhau, cho nên hiện tượng sọc và nháy không xảy ra.

Trở lại vấn đề chính của bài, ý tiếp theo có lẽ dế hiểu hơn, đó là về tốc độ. Nếu máy quay của bạn quay ở tốc độ 30 khung hình/giây (30 fps), còn TV thì có tần số quét tới 60Hz thì hiện tượng sọc cũng sẽ không xảy ra. Nguyên nhân là do các điểm ảnh chớp tắt quá nhanh (60 lần mỗi giây), trong khi máy quay chỉ có thể ghi nhận lại các chuyển động với tốc độ thấp hơn, 30 lần/giây, nên nó không kịp nhìn thấy các điểm ảnh màu đen và như thế sẽ không nhìn thấy sọc. Nếu ta đẩy tốc độ máy quay lên cao hơn 60 fps thì lúc này hiện tượng sọc sẽ bắt đầu xuất hiện, tốc độ quay (fps) càng cao thì hiện tượng sọc càng nhiều.

Đối với màn hình máy tính, hiện tượng sọc cũng có thể xảy ra, cách khắc phục là bạn hãy thay đổi tần số quét (Hz) của màn hình để phù hợp (hoặc cao hơn) với tốc độ của máy quay, hoặc làm ngược lại, điều chỉnh tốc độ của máy quay cho bằng hoặc thấp hơn tần số quét của màn hình. Nếu máy quay của bạn quay ở tốc độ 24 fps thì lời khuyên là hãy chỉnh tần số quét (Refresh Rate) của màn hình lên các mức bội số chung với 24, bao gồm 48Hz, 72Hz... để không nhìn thấy các sọc đen chạy chạy trên màn hình.

Ngoài ra nếu bạn quay màn hình LCD thì cũng không có hiện tượng này do các điểm ảnh được phát sáng thông qua tấm đèn nền chứ phát sáng theo kiểu quét từng dòng như các loại màn hình cũ.

 

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn