Thuyết trình hiệu quả

Photobucket



Bước chân vào giảng đường đại học, bạn sẽ không khỏi bỡ ngỡ khi phải tiếp cận với những phương pháp học mới: làm bài tập nhóm - assignment, làm tiểu luận, làm thuyết trình trên lớp.... Đó là những phương pháp học đòi hỏi sự tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Việc thầy cô thường xuyên giao làm thuyết trình đối với mỗi môn học là một sự đòi hỏi cần thiết và mang tính bắt buộc. Khi làm thuyết trình thì mỗi sinh viên phải đào sâu nghiên cứu, tìm tòi, để vận dụng tốt được bài học và nó cũng đòi hỏi rất nhiều kĩ năng: thuyết trình, diễn đạt, làm Powerpoint, teamwork...Bài viết này sẽ cung cấp những phương pháp và kinh nghiệm để có một bài thuyết trình hiệu quả.

1. Chuẩn bị:

Để có một bài thuyết trình tốt thì công tác chuẩn bị là rất quan trọng, nó chiếm tới 40% thành công của buổi thuyết trình.

Đầu tiên là khâu chuẩn bị nội dung. Một bài thuyết trình tốt trước tiên nội dung của nó phải được chuẩn bị kĩ càng và những thông tin đưa ra phải làm cho thính giả  thấy thực sự hữu ích. Bạn phải là người hiểu rõ được vấn đề mình định làm, có hiểu thấu đáo và nắm rõ thì mới có thể thuyết trình cho mọi người được. Vì vậy, bạn phải chủ động trong việc tìm kiếm thông tin, tài liệu, có thể tìm từ nhiều nguồn như sách, báo, internet....từ đó lên bố cục, nội dung và những vấn đề sẽ trình bày cho buổi thuyết trình. Trong làm việc nhóm thì việc chuẩn bị nội dung phải được phân công cụ thể, hợp lý cho từng thành viên.

Thứ hai là việc sử dụng Powerpoint, phải căn cứ vào địa điểm, điều kiện kĩ thuật như ánh sáng, trang thiết bị để chuẩn bị bài slide cho phù hợp. Khi làm không nên sử dụng nhiều các hiệu ứng hoặc màu sắc, sẽ làm cho người nghe khó đọc hoặc không chú ý vào bài thuyết trình. Nên để nền sáng còn chữ đậm thường là đen hoặc ngược lại, phải làm sao để tất cả mọi người có thể nhìn rõ bài slide. Mỗi trang chỉ nên trình bày những ý tổng quát, tóm gọn, không được chi chít quá nhiều ý, thường thì khoảng 4-6 dòng, cỡ chữ phải to, rõ ràng. Để tạo thêm sự hấp dẫn, cũng có thể tăng cường những hình ảnh hoặc đưa thêm vào các movie clip và các hiệu ứng âm thanh. Phải cân đối giữa nội dung các phần, cũng không nên làm quá nhiều slide bởi lẽ nó sẽ gây ra sự nhàm chán cho người xem. Đối với bài thuyết trình dài khoảng 20 phút thì số trang chỉ nên ở khoảng 25-35. Có được một bài Powerpoint “đáng xem” thì bài thuyết trình đã trở nên pro hơn rất nhiều, phải luôn nhớ rằng nó chính là công cụ đắc lực của bài thuyết trình.

Cuối cùng là việc luyện tập, dù bạn đã làm nhiều lần hay mới chỉ là lần đầu thì bạn đều phải tập thuyết trình thử. Bạn nên ghi lại các ý chính, những số liệu cần thiết vào một tờ giấy nhỏ để tập nói. Hãy nói những ý mà bạn đã nghĩ ra, hãy để chúng vào một khuôn khổ, từ khuôn khổ đó hãy phát triển chúng ra.Và tuyệt đối đừng bao giờ học thuộc lòng bài viết của bạn. Bởi vì bài nói khác với bài viết, bạn hãy nói một cách tự nhiên nhất. Bạn tập dượt càng nhiều, thì sự tự tin và thoải mái càng tăng cao khi bạn nói trước lớp. Về phần này thì một chiếc gương sẽ giúp bạn rất nhiều. Nói chuyện trước gương sẽ khiến bạn trông mình như thế nào khi lên thuyết trình. Tập cười (nó sẽ khiến bạn nhìn tự tin), nói chậm và rõ ràng (khán giả sẽ chẳng thể hiểu nếu bạn nói nuốt từ). Bạn có thể sử dụng máy ghi âm để bạn có thể nghe giọng mình và quyết định xem chỗ nào chưa ổn để sửa giọng lại. Nếu bạn chuẩn bị sử dụng bất cứ thiết bị nào hỗ trợ cho bài thuyết trình của bạn, hãy dành thời gian thực tập với chúng. Bạn cần có buổi tổng duyệt cho bài thuyết trình của bạn với tất cả các bước, một vài lần cho đến khi nào bạn cảm thấy hoàn toàn tự tin trước “giờ lên hình”. Nếu có giới hạn về mặt thời gian, bạn nên chắc chắn bài thuyết trình của mình gói gọn trong thời gian quy định. Một khi bạn đã hoàn thành bài thuyết trình một mình, bạn nên tham khảo ý kiến từ một vài người khác như gia đình, hay nhỏ bạn thân của bạn  trước ngày thuyết trình, lắng nghe phản hồi từ họ để rút kinh nghiệm.

2. Thuyết trình:

“Thuyết trình là một nghệ thuật” – và cũng đúng khi nói rằng người thuyết trình là một nghệ sĩ. Đó là làm sao truyền đạt được một khối lượng thông tin khổng lồ, và phải cuốn hút được người nghe trong một lượng thời gian giới hạn. Dưới đây là một số kinh nghiệm và chú ý để có một bài thuyết trình hiệu quả:

1) Trang phục: Đầy đủ, đứng đắn, lịch sự. Ăn mặc sang trọng. Chú ý tùy từng hoàn cảnh như thế nào mà chúng ta ăn mặc cho phù hợp. Ăn mặc đẹp cũng là thể hiện sự tôn trọng người nghe và tôn trọng mình.

2) Ngôn ngữ: Dùng ngôn ngữ phổ thông, không dùng từ địa phương. Bạn có thể dùng tiếng địa phương nếu như bạn biết chắc chắn những người nghe là những người hiểu tiếng địa phương đó.

3) Ở phần mở bài, giới thiệu “khái quát” về vấn đề cần thuyết trình. Hãy vào đề một cách ấn tượng để cố gắng thu hút sự chú ý,  “muốn lắng nghe” cho mọi người. Bạn có thể đưa ra những con số, sự kiện thật là bất ngờ hoặc cũng có thể kể một câu truyện hoặc diễn một vở kịch để vào đề. Bạn phải nêu được chủ đề và hướng người nghe vào nó. Và phải xác định ngay mục đích của bài thuyết trình, và khung nội dung bao gồm bao nhiêu phần, nêu cụ thể từng phần.

4) Diễn đạt phải lưu loát, trôi chảy, dễ hiểu. Luôn thay đổi ngữ điệu ,và phải nhấn mạnh ở những phần quan trọng để làm cho người nghe chú ý hơn vào phần đó. Không nói đều đều - mọi người sẽ nhàm chán và buồn ngủ. Bạn nên nhấn giọng ở phần đầu và nên hạ giọng ở phần cuối câu, tránh đọc rề rề từ đầu tới cuối bài. Cũng phải chú ý tới âm lượng và cách cầm mic phải có khoảng cách phù hợp với miệng để tạo âm tốt nhất. Đừng nói to quá, gây nhức đầu cho mọi người, cũng đừng nói nhỏ quá vì mọi người không nghe rõ và sẽ cảm thấy khó chịu. Việc điều chỉnh âm lượng của bản thân nghĩ là dễ nhưng khi lên cầm mic thì không nhận ra dễ đâu.

5) Kết hợp body languages, ánh mắt, sự di chuyển để có thể thu hút người xem. Mắt luôn nhìn bao quát chứ không nên chỉ chăm chú nhìn 1 hay vài người. Tốt nhất là nhìn theo hình chữ M hoặc W. Đi đứng: theo hình chữ V. Nhớ vị trí đứng của mình so với các dụng cụ trợ giảng (không được đứng che bảng, màn chiếu), không được đứng quay lưng lại với khán giả. Sử dụng các động tác phù hợp để nâng cao khả năng diễn đạt. Cử chỉ: tay ko được giơ quá cao hoặc quá thấp (cao hơn vai và thấp hơn hông). Khi đứng nói tay nên đặt tầm hông, không được thả lỏng tay.

6) Tiếp nữa là thể hiện sự đa dạng – various trong cảm xúc khi trình bày : vui vẻ, hoà nhã, đặc biệt là cách tạo không khí đối thoại...Chẳng hạn khi có một nội dung hứng thú: Hãy thể hiện sự nhiệt tình! Một tin buồn? Thể hiện sự nghiêm trang, nghiêm túc. Nếu thấy không khí trầm lắng, hãy tạo không khí vui vẻ, ví dụ như có thể kể những câu chuyện thêm vào hoặc vài câu đùa thì mọi người sẽ cảm thấy hứng thú hơn Sẽ không ai cảm thấy thoải mái nếu bạn nói một mạch từ đầu đến cuối!

7) Không nên chuyển ý quá đột ngột có thể làm mất cảm hứng của người nghe, hãy suy nghĩ những câu dẫn chuyển đoạn. Những chỗ kết thúc giữa các phần hoặc những luận điểm khó có thể hỏi xem mọi người có hiểu không. Bạn sẽ được chú ý hơn và lôi kéo người nghe trở lại với bạn cùng bài thuyết trình nếu như họ bị phân tán tư tưởng.

8) Thời gian rất quan trọng, hãy sắp xếp một cách hợp lý nhất để bạn vừa truyền tải một cách đầy đủ những gì bạn muốn nói nhưng vẫn đủ thời gian cho phần phản biện trước người nghe.

9) Kết thúc - Tóm tắt lại nội dung đã trình bày, gợi mở ra những hướng mới và yêu cầu mọi người đặt câu hỏi. Và đừng bao giờ quên lời cảm ơn, nó đơn giản nhưng thật kỳ dịệu, đó là cách bạn kết thúc hay nhất và cũng là cách bày tỏ rằng bạn thật sự cám ơn vì những người đã nghe và đóng góp để bạn hoàn thiện

10) Trả lời câu hỏi - hãy cố gắng trả lời thật ngắn gọn nhưng rõ ràng, vì người nghe ghét một câu trả lời lòng vòng, hãy trả trả lời lời chính xác cái mà họ muốn được biết. Nếu bạn phải đối mặt với một câu hỏi khó thì có thể tìm cách từ chối khéo, chẳng hạn như “Tôi có thể trả lời bạn sau hoặc Nếu có dịp khác chúng ta sẽ tìm hiểu kĩ hơn về vấn đề này”. Một cách khác là bạn có thể yêu cầu chính những khán giả khác để tìm câu trả lời.

 

Trên đây là những phương pháp mà mình đã học và tích lũy được.Theo kinh nghiệm của bản thân thì điều quan trọng nhất để có một  thuyết trình đạt hiệu quả là: phải thật sự hiểu và tự tin vào những gì mình sẽ hoặc đang nói. Thêm nữa là tự bản thân phải có một sự  thôi thúc muốn truyền tải đến người nghe những gì mình biết, muốn truyền cho họ niềm cảm hứng mà mình đang có và đem lại sự thuyết phục đối với mọi người. Quả thực có một bài thuyết trình ấn tượng không phải là một công việc dễ dàng. Không phải ai cũng có thể làm được trong một sớm một chiều, mà đòi hỏi phải có sự sáng tạo, luyện tập rất nhiều. Cuối cùng xin chúc tất cả mọi người luôn đạt được thành công khi làm thuyết trình!!!

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn