LÀM GÌ ĐỂ TẬN DỤNG HIỆU QUẢ THỜI GIAN RẢNH RỖI?

"Thời gian thấm thoát thoi đưa


Nó đi đi mãi có chờ đợi ai…"
(Ca dao)

Thời gian là vàng bạc. Ai cũng biết điều đó nhưng không phải ai cũng sử dụng số "vàng bạc" ấy một cách hiệu quả. Nhiều lúc ta dễ dàng để nó trôi qua một cách lãng phí mà không để ý đến. Thời gian là cái công bằng nhất trên đời. Nó không đợi ai cả, không phân biệt người đó là ai. Ta phải biết trân trọng nó và khai thác tối đa mỗi khoảnh khắc trong cuộc đời mình. Như một quy luật tất yếu của cuộc sống, những người thành công là những người sử dụng thời gian một cách tối ưu nhất.
Bạn đã sử dụng thời gian rảnh rỗi thực sự hiệu quả chưa? Một số người lãng phí thời gian vào những việc vô bổ để rồi tiếc nuối. Một số khác thì ngủ (thật khó tin nhưng đáng tiếc là nó lại có thật!). Không tốt chút nào, coi chừng gặp ác mộng đấy những con mèo lười ạ!
Dưới đây là một vài kinh nghiệm nhỏ của tôi. Không tốn nhiều tiền nhưng khá hiệu quả! Bạn có thể tham khảo và tùy hoàn cảnh cụ thể mà vận dụng. Tôi nghĩ chúng không khó để thực hiện nhưng để trở thành thói quen thì cũng cần một chút quyết tâm.

Thế nào là thời gian rảnh rỗi?
Nhận diện những khoảng thời gian rảnh rỗi 
(tôi thích gọi chúng là những "thời điểm chết" hơn!) là việc đầu tiên mà bạn phải làm. Nó cực kỳ quan trọng vì có lúc ta nhầm tưởng mình đang rảnh rỗi nhưng thực ra còn nhiều việc phải làm mà ta không biết. Vậy thời gian rảnh rỗi là gì? Một định nghĩa đơn giản dễ dàng được đưa ra và được nhiều người chấp nhận là:
"Thời gian rảnh rỗi của một người là khoảng thời gian mà người đó không có việc để làm hoặc không biết phải làm gì."
Những khoảng thời gian rảnh rỗi có thể là: lúc chờ xe hoặc đợi ai đó; lúc hoàn thành xong một công việc trong ngày trước thời gian dự định mà bạn không vội phải làm công việc tiếp theo; lúc đang làm một việc mà không đòi hỏi phải tập trung nhiều; lúc bạn không thể thực hiện được kế hoạch như đã định trước vì lý do bất khả kháng (ví dụ như thời tiết thay đổi); lúc dưỡng bệnh…

1. Rèn chữ viết.
Nghe có vẻ buồn cười nhưng thức sự đây không phải là ý kiến tồi đâu! Thời đại khoa học công nghệ bùng nổ như hiện nay, đặc biệt là việc sử dụng máy vi tính và điện thoại nhiều đã khiến chữ viết một số người trở nên "khó coi". Người ta nói: "nét chữ là nét người". Chữ viết của ta phần nào cho biết ta là người thế nào đấy, đặc biệt là khi ta viết đơn, thư. Tôi biết một vài người không tìm được việc làm chỉ vì chữ viết trong lá đơn xin việc không tạo được thiện cảm với các nhà tuyển dụng. Để tránh gặp phải những tình huống không vui này, hãy tranh thủ những lúc rãnh rỗi lấy giấy bút ra và chịu khó ngồi rèn chữ viết. Đễ đỡ nhàm chán, có thể rèn chữ viết bằng cách chép lại những bài thơ, bài hát mà mình yêu thích hoặc viết thư, có thể là hồi âm những bức thư gần đây nhất hoặc gửi thư cho ai đó đã lâu không liên lạc (để nhắc họ đừng quên ta!). Chắc chắn những lá thư viết tay sẽ tạo được nhiều ấn tượng hơn là những email hay tin nhắn. Lần cuối bạn viết thư là khi nào? Có khi nào bạn nghĩ: “Ồ, lâu rồi mình đã không viết thư”? Bạn sẽ ngạc nhiên về chữ viết của mình sau một thời gian kiên trì thực hiện thói quen này cho mà xem!

2. Đến thăm những người thân quen.
Nếu ta luôn bận rộn và không có thời gian đến thăm họ thì đây là thời điểm thích hợp để làm điều này. Một số người dù có điều kiện cũng không muốn thực hiện những cuộc viếng thăm. Họ chỉ "đợi" người khác đến thăm mình mà không muốn làm điều ngược lại. Họ tự cho mình có cái "quyền" đó. Thật đáng trách! Đừng sống thu mình lại như một con ốc. "Có qua có lại mới toại lòng nhau", một mối quan hệ không thể phát triển bền vững nếu nó chỉ được xây dựng từ một phía. Những giây phút trò chuyện hiếm hoi này sẽ giúp tình cảm giữa đôi bên ngày thêm thân thiết. Chú ý là trước khi thực hiện những cuộc viếng thăm nên lên kế hoạch trước để tránh làm ảnh hưởng đến công việc của mình và người khác, không nên để chúng kéo dài thời gian quá lâu, đôi khi sẽ làm phiền người khác đấy! Cần tế nhị tìm hiểu xem mình có đang quấy rầy người khác không và nên biết dừng đúng lúc. Đừng để cuộc trò chuyện đi quá xa và biến mình thành những kẻ buôn chuyện đáng ghét bằng những cách như than thân trách phận, nói xấu người này, chê bai người khác… Đừng vô tình để việc tận dụng thời gian rảnh rỗi trở thành việc làm mất thời gian của mình và người khác bằng những chuyện vô bổ! Một điều nho nhỏ nữa cũng nên làm là kiểm tra xem còn nợ ai cái gì không, nếu có thì tranh thủ trả sớm đi nhé!

3. Không ngừng làm giàu kiến thức của mình.
Chỉ trong một thời gian ngắn bạn đã biết thêm được một điều hay, điều này chẳng phải là rất hay sao? Kiến thức thật mênh mông, ai dám chắc mình đã biết mọi thứ. Hãy đem theo bên mình hoặc tìm kiếm xung quanh mình một cái gì đó có thể đọc được, tranh thủ những lúc rảnh rỗi để làm giàu kiến thức của mình. Sách báo, dù không còn mới, đôi khi cũng đem đến cho ta những kiến thức mới mẻ, những phát hiện thú vị. Những người mới quen cũng có thể đem đến cho ta những câu chuyện bổ ích, hãy tìm cách trò chuyện với những người xung quanh khi có cơ hội. Thử để ý quan sát mọi thứ xung quanh, bạn sẽ thấy còn nhiều thứ tưởng chừng như đơn giản nhưng mình chưa từng biết.
Có lần tôi vô tình đọc được một mẩu hướng dẫn sử dụng thuốc in bằng song ngữ Anh – Việt rơi trên vỉa hè. Tôi thấy vui vì trong chốc lát biết thêm được một số từ mới. Mấy hôm sau đi học, không ngờ gặp lại mấy từ tiếng Anh hôm trước trong bài học mới, trong lúc các bạn tôi đang loay hoay ngồi tra từ điển tìm nghĩa, tôi đã dịch xong bài học rồi!
Thông điệp tôi muốn gửi đến các bạn là: Học tập không phải chỉ ở trường lớp, hãy tìm cách học ở mọi người, mọi lúc, mọi nơi. Tất cả những gì bạn học được ngày hôm nay đều có ích cho mai sau. Sẽ có lúc bạn cần đến nó, hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ và vận dụng nó ngay khi gặp cơ hội.

4. Tập luyện để phát triển những kỹ năng cá nhân.
Có những kỹ năng ta rất muốn biết, rất muốn thử tập hoặc đã biết nhưng không có thời gian để trau dồi, tập luyện chúng. Vậy thì còn chần chừ gì nữa mà không làm ngay đi! Hãy quyết tâm và tin rằng trong tương lai không xa, "tài năng" của bạn sẽ khác xa so với bây giờ!
Nếu bạn là người rụt rè, tôi khuyên bạn nên tập hát. Tôi biết, có thể bạn sẽ cười tôi, bảo tôi là người thích đùa nhưng nhìn vấn đề một cách thực tế và suy nghĩ một cách nghiêm túc, bạn sẽ thấy có không ít người khi được mời lên hát trong những buổi giao lưu, sinh hoạt tập thể chẳng biết hát bài gì hoặc đôi khi viện đủ lý do để đùn đẩy cho người khác. Thực ra không hẳn là họ không thích hát cũng không hẳn là họ không biết hát hay là một lý do nào đó "tương đối hợp lý" mà họ nói. Có thể là do họ không thuộc trọn vẹn một bài hát nào cả hoặc họ không đủ tự tin để hát trước đám đông. Tâm lý rụt rè, ngại đối mặt với đám đông ăn sâu vào người dễ khiến họ cảm thấy mất bình tĩnh. Chẳng có cách nào khác để khắc phục tình trạng này ngoài sự luyện tập. Ngay cả những ca sĩ, trước khi biểu diễn một bài hát cũng phải trải qua một quá trình khổ luyện rất nhiều mới có thể đạt đến thành công trong buổi biểu diễn chính thức. Hãy tập hát vài bài hát mà bạn yêu thích để góp vui với mọi người. Tập thật nhuần nhuyễn vào nhé! Bạn có thể chuyên nghiệp hơn khi nhìn vào gương và hát. Đừng sợ mọi người cười nhạo. Hãy là một "nghệ sĩ dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì nghệ thuật"!

5. Làm vệ sinh cá nhân.
Xem lại "dung nhan" của bạn và xem thử lúc này bạn có thể làm gì để "nâng cấp" nó bằng những việc đơn giản như: đi tắm, chải lại tóc, cắt móng tay, móng chân, cắt tóc, ngoáy tai hoặc là cạo râu (nếu bạn có!) trước khi nó bắt đầu trở nên rậm rạp! Hãy luôn là một người gọn gàng, sạch sẽ trong mắt mọi người!

6. Thư giãn nào!
Hãy đi bộ, hít thở không khí trong lành, chơi thể thao hay nói chung là làm bất cứ việc gì khiến cho bạn cảm thấy sảng khoái hơn như tìm về với những thú vui của mình: xem lại bộ sưu tập yêu quý của mình, nghe nhạc, chăm sóc cá cảnh hay những chậu cây…

7. Ngó ngàng một chút đến những việc vặt khác.
Xem còn việc gì trong nhà chưa làm, tuy chưa đến lúc phải làm nhưng có thể làm thì hãy làm ngay. Có thể bạn sẽ quên hoặc bất ngờ bận công việc đột xuất vào lúc định kỳ phải làm chúng thì sao? Đừng để phải vội vàng với những việc như: ủi (là) quần áo, đánh giày, làm vệ sinh nhà cửa, sắp xếp lại nhà cửa cho ngăn nắp, xem cái gì không còn dùng được thì bỏ đi để khỏi chật nhà. Hãy ngắm nhìn thành quả của mình sau khi làm xong mà xem. Thật là nhẹ nhõm phải không nào! Vậy bớt được một việc rồi đấy!

8. Lên kế hoạch cho tương lai.
Hãy lên kế hoạch cho tương lai để có thể chủ động về mặt thời gian. Đừng coi thường việc này. Bạn không thể sử dụng thời gian hiệu quả nếu không làm chủ được nó. Xem thử bạn đã làm được những gì trong kế hoạch của mình và còn phải làm những việc gì để thực hiện kế hoạch cuộc đời mình. Hãy hoàn thành nó và biến ước mơ của bạn thành hiện thực! Đừng phó mặc cho số phận, để nó đến đâu thì đến, hãy làm chủ số phận và quyết định cuộc đời mình. 

Chính bạn, chứ không phải ai khác, phải tự mình làm cái công việc vô cùng khó khăn đó. 

Chúc bạn thành công!

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn