Giải mã các thông số phổ biến trong smartphone

Màn hình cảm ứng, tốc độ vi xử lý, dung lượng RAM… là những yếu tố mà người sử dụng cầm quan tâm khi chọn mua điện thoại thông minh.


Tạp chí PC World (Mỹ) đã phân tích những đặc điểm chung nhất trong các cấu hình điện thoại.

Bộ vi xử lý

Vi xử lý (processor) trong smartphone hoạt động như “bộ não” của thiết bị, đảm nhiệm hầu hết hoặc tất cả chức năng xử lý trung tâm trong máy. Tốc độ 1 GHz đã trở thành đặc điểm phổ thông trong phần lớn smartphone cao cấp và nó kết hợp với phần mềm để giúp hiển thị video độ nét cao (720p, 1080p), duyệt web nhanh và mượt hơn.

Các nhà sản xuất vi xử lý 1 GHz có Samsung (Hummingbird, Apple A4), Texas Instruments (OMAP) và Qualcomm (Snapdragon). Tuy nhiên, smartphone cũng không cần đến chip 1 GHz mới hoạt động tốt.

RAM


Giống như máy tính, khả năng chạy đa nhiệm của điện thoại phụ thuộc vào lượng RAM, tuy nhiên các nhà cung cấp hiếm khi quảng cáo về RAM bởi nó thường không cao, do đó người dùng nên tìm hiểu kỹ trước khi mua.

Smartphone cũ thường sử dụng RAM 256 MB, đủ cho nhu cầu nhắn tin, gọi điện, duyệt web và thi thoảng chơi game, cho phép chạy một số ứng dụng cùng lúc mà không làm giảm hiệu suất. Smartphone cao cấp như iPhone 4 và Nexus S được trang bị RAM 512 MB, hỗ trợ mở nhiều ứng dụng hơn mà không ảnh hưởng đến tốc độ.

Màn hình


Màn hình 2,7 inch phù hợp cho việc nhắn tin, duyệt web nhưng nếu cần chơi game và xem video, người dùng nên chọn màn hình trên 3,5 inch. Đa số smartphone sử dụng công nghệ LCD đủ sắc nét và chi phí sản xuất tương đối rẻ.

Màn hình LCD phổ biến nhất là TFT (thin-film transistor), sử dụng các bóng bán dẫn dạng màng mỏng để cải tiến chất lượng ảnh. Tuy nhiên, công nghệ này bị hạn chế góc nhìn và hiển thị nội dung kém dưới ánh mặt trời. Chưa kể, TFT ngốn khá nhiều điện năng nên thường được đưa vào các dòng điện thoại cấp thấp. Còn màn hình IPS-LCD (in-plane-switching LCD), được trang bị cho Motorola Droid X và iPhone 4, hay còn gọi là Retina Display, giúp cải thiện góc nhìn và tiêu thụ ít điện năng hơn.

Trong khi đó, Amoled (Active matrix organic light emitting diode – diode phát sáng hữu cơ ma trận động) là công nghệ được nhiều hãng ưa chuộng và có thể tìm thấy trong các sản phẩm như Google Nexus One hay HTC Droid Incredible. Nội dung trên màn hình có thể được xem rõ nét dưới ánh sáng tự nhiên, tuy vậy, nhiều người phàn nàn màu sắc hơi rực rỡ quá. Về lý thuyết, Amoled đòi hỏi ít điện năng hơn, do đó tăng thời gian sử dụng pin, nhưng trong các cuộc kiểm nghiệm thực tế nó chưa chứng minh được điều đó.

Samsung Galaxy S là smartphone đầu tiên sử dụng màn hình Super Amoled do chính Samsung phát triển. Công nghệ này đặt các sensor cảm ứng ngay trên màn hình thay vì tạo một lớp riêng, tạo ra thế hệ màn hình mỏng nhất được kinh doanh trên thị trường và phản ứng nhạy hơn Amoled.

Màn hình cảm ứng

Màn hình cảm ứng (touchscreen) cho phép người sử dụng tương tác trực tiếp với giao diện và hệ điều hành trên điện thoại. Có 2 loại cảm ứng chính là điện trở và điện dung.

Cảm ứng điện trở (resistive) chứa hai lớp truyền dẫn và có một khoảng cách nhỏ giữa chúng. Khi ngón tay, bút… nhấn lên một điểm trên màn hình, 2 lớp này sẽ tiếp xúc nhau và tạo nên một mạch kết nối. Thông tin từ mạch đó sẽ được truyền đến vi xử lý của điện thoại.

Cảm ứng điện dung (capacitive) xuất hiện trong các dòng smartphone cao cấp, tiên phong là iPhone. Màn hình này thường chứa một lớp kính được phủ chất dẫn trong suốt, chẳng hạn indium tin oxide. Bản thân cơ thể con người cũng dẫn điện, do đó khi chạm ngón tay vào lớp phủ này, nó sẽ tạo ra sự gián đoạn trên trường tĩnh điện của màn hình. Vi xử lý điện thoại sẽ dò ra vị trí của gián đoạn này.

Pin


Đa số điện thoại ngày nay sử dụng pin lithium-ion. Lithium là chất hóa học nằm bên trong, di chuyển đến cực âm của pin và tạo ra điện tích. Nó có thể sạc lại và có tuổi thọ dài gấp 2-3 lần pin kiềm (alkalin). Điện thoại có thời gian hoạt động liên tục dài thường sử dụng pin 1.500 mAH, nhưng loại pin phổ biến nhất vẫn là 1.200-1.400 mhA (đơn vị milliampe giờ).

Camera


Số pixel càng cao thì độ phân giải ảnh càng lớn. Nhưng khi xem trên màn hình điện thoại hay PC, chất lượng của ảnh 5 megapixel hay 8 megapixel không khác nhau. Nó chỉ tạo ra sự khác biệt khi người sử dụng muốn in ảnh.

Giống như máy DSLR, nhiều pixel hơn không đồng nghĩa với ảnh đẹp hơn. Những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng là ống kính (như dòng Nokia N-serie sử dụng ống Carl Zeiss), khả năng tự động lấy nét chính xác và tốc độ màn trập cao (đóng vai trò quan trọng khi chụp ảnh chuyển động nhanh)…

Thẻ nhớ MicroSD


Sự khác biệt chính giữa SD, MicroSD và MiniSD chỉ là kích cỡ. Đa số điện thoại được xuất xưởng năm 2010 sử dụng phiên bản nhỏ nhất: MicroSD. MicroSD có dung lượng từ 2 GB (10 USD) đến 32 GB (150 USD).

Gyroscope và Accelerometer


Con quay hồi chuyển kết hợp gia tốc kế giúp nhận dạng chuyển động nhiều chiều.

Hầu hết smartphone được trang bị accelerometer (gia tốc kế) với khả năng nhận diện điện thoại đang đặt thẳng đứng hay nằm ngang để xoay màn hình phù hợp. Nhưng hiện nay rất ít máy có gyroscope (con quay hồi chuyển). Gyroscope cho phép nhận biết chính xác hơn các chuyển động trong không gian ba chiều, tức không chỉ nhận biết vị trí dọc – ngang mà còn phát hiện nếu điện thoại được dịch chuyển xa – gần.

Bluetooth và Wi-Fi

Bluetooth là công nghệ không dây cho phép truyền và nhận dữ liệu giữa 2 thiết bị trong phạm vi hẹp (10 mét). Hiện nay, Bluetooth đã lên chuẩn 3.0, hỗ trợ truyền file với tốc độ nhanh hơn (24 Mb/giây) nhưng nó còn quá mới nên đa số điện thoại vẫn sử dụng chuẩn 2.1.

Trong khi đó, Wi-Fi 802.11 đã trải qua nhiều giao thức (a/b/g/n) với tốc độ và độ phủ sóng khác nhau. Wi-Fi giúp smartphone kết nối với mạng Internet không dây để lướt web, gửi e-mail, chơi game… Đa số điện thoại hiện hỗ trợ chuẩn g (54 Mb/giây) hoặc b (11 Mb/giây). Chuẩn mới nhất 802.11 n về lý thuyết có thể đạt tốc độ 600 Mb/giây nhưng còn phụ thuộc vào kết nối Internet và khả năng của bộ định tuyến (router).


Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn