Tiền trong mâm quả gọi là tiền gì?


Chào anh chị,

Anh chị cho em hỏi tiền đặt trong mâm quả trong lễ ăn hỏi nhà trai mang tới thường được gọi là tiền gì ạ? Thông thường số tiền ấy khoảng bao nhiêu? Ở quê em làm đám hỏi và đám cưới riêng thì bỏ vào lần nào hay cả hai lần? Em nghe bạn bè nói nếu nhà trai đi tiền lẻ là họ coi thường mình đúng không? Anh chị giúp em với nhé.

Trả lời:

Bạn gái thân mến, cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi về cho chuyên mục. Lễ ăn hỏi theo phong tục truyền thống Việt Nam có rất nhiều nghi thức mà không phải bạn trẻ nào cũng biết. Bên cạnh đó, tùy đặc điểm và nét văn hóa của từng vùng miền khác nhau mà các nghi lễ này có ít nhiều khác biệt. Trầu Cau xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:

Vào ngày ăn hỏi, nhà trai sẽ mang các tráp lễ vật gồm trầu cau, chè thuốc, bánh trái, gà trống hay lợn quay... sang nhà gái để chính thức thưa chuyện hôn nhân của đôi trẻ. Theo nghi lễ truyền thống, ngoài những lễ vật này, trong mâm quả của nhà trai còn có thêm một tráp nhỏ, trên có phủ một chiếc khăn đỏ thêu chữ “hỉ” để đựng tiền, tùy theo từng đại phương mà gọi là lễ đen hay lễ nạp tài. Nếu ở quê bạn làm đám cưới và đám hỏi riêng thì bỏ tiền vào lễ ăn hỏi.

Ý nghĩa của lễ đen
  • Bạn có thể hiểu đơn giản là số tiền trong lễ đen có ý nghĩa như việc thách cưới của nhà gái với nhà trai. Ngày nay, gia đình nhà gái thách không nhiều bằng trước đây và số tiền mang tính chất tượng trưng hoặc sẽ căn cứ vào hoàn cảnh của nhà trai để ước lượng số tiền phù hợp. Hơn nữa, lễ cưới hiện đại do cả hai nhà cùng lo liệu nên việc thách cưới cũng nhẹ đi không ít.

  • Mặt khác, lễ đen cũng được hiểu như món quà mà nhà trai dành để tỏ lòng cảm ơn nhà gái đã có công sinh thành, dưỡng dục cô dâu tương lai nhà họ. Đây cũng thể hiện sự tôn trọng của gia đình nhà trai đối với nhà gái và cô dâu.

  • Xét về một kía cạnh khác, nhà trai cũng góp tiền của, công sức để chăm lo cho cô dâu tương lai trước ngày lên xe hoa. Số tiền lễ này thường được cha mẹ đẻ đưa cho cô dâu mua sắm quần áo, trang sức... trước khi về nhà chồng.
Hình thức phong bì
  • Tùy vào số lượng bát hương trên bàn thờ tổ tiên của nhà gái mà số tiền có thể được đựng trong 1, 3, 5 phong bì khác nhau. Phong bì thường có số lượng lẻ.

  • Phong bì thường màu đỏ, to, có in đôi uyên ương hoặc chữ “hỉ”. Bạn có thể dễ dàng tìm mua loại phong bì dành riêng cho lễ ăn hỏi tại dịch vụ thuê tráp và bán lẽ vật ăn hỏi hoặc các cửa hàng chuyên về trang trí đám cưới, 
  • Các phong bì này có thể để chung với tráp trầu cau hoặc để riêng vào hộp nhỏ có phủ khăn thêu chữ “hỉ” khi nhà trai mang lễ vật sang nhà gái.
Nội dung phong bì
  • Gia đình hai nhà sẽ bàn bạc trước hoặc tùy hoàn cảnh mỗi nhà mà số tiền lễ đen sẽ nhiều hay ít. Từ xưa đến nay chưa có quy định rõ ràng con số cụ thể là bao nhiêu. Tuy nhiên ở miền Bắc, lượng tiền này phải là số lẻ, các tờ tiền có mệnh giá khác nhau, dùng nhiều tiền có màu sắc tươi hoặc đỏ để may mắn, ví dụ 5.990.000 đồng, 7.699.000 đồng, 9.999.000 đồng... Vì vậy, không phải nhà trai đi tiền lẻ là coi thường bạn đâu nhé, đó chỉ là quan niệm mang lại may mắn cho cuộc sống vợ chồng bạn sau này thôi.
  • Nhiều gia đình đã quen thân với nhau hay lối sống cởi mở thì vấn đề lễ đen cũng dễ dàng, đơn giản hơn. Tuy nhiên, nếu những gia đình ở các vùng miền với phong tục khác nhau nhưng chưa có cơ hội tìm hiểu tường tận thì việc quyết định lễ đen cũng có thể gây ra hiểu lầm, định kiến và những điều không vui vẻ.
Tóm lại, để tránh hiểu lầm và cả hai gia đình đều hài lòng, vui vẻ thì cần có sự kết nối giữa hai bên gia đình. Cô dâu cần bàn bạc hoặc thăm dò ý kiến bố mẹ về số lượng và lễ đen là bao nhiêu rồi trao đổi với chú rể để nhà trai khỏi lo lắng, băn khoăn. Bạn nên nhớ, điều quan trọng là hạnh phúc của con cái hai nhà chứ không phải số tiền lễ nhiều hay ít. Chúc bạn có đám cưới vui vẻ và hạnh phúc, đừng quên chia sẻ những cảm xúc tuyệt vời trong ngày cưới cũng như cuộc sống với các thành viên trong Cộng đồng Cưới hỏi Trầu Cau nhé.

 

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn