Tìm hiểu về tiền giấy polymer ở Việt Nam và cách phân biệt tiền thật giả

Giấy Polyme in tiền là gì? (Phần 1)
Tiền polymer



Tiền polymer (còn gọi là tiền nhựa) là loại tiền được làm từ giấy polymer.

Lịch sử tiền polymer
Từ năm 1967, Ngân hàng Dự trữ Australia bắt đầu nghiên cứu, ứng dụng chất liệu polymer vào công nghệ in tiền. Năm 1988, Australia in thử nghiệm đồng tiền lưu niệm trên giấy nền polymer. Năm 1992, Australia chính thức phát hành đồng tiền polymer đầu tiên trên thế giới. Hơn một thập kỷ sau, tiền polymer được phát hành ở 18 nước, trong đó, Australia, New Zealand và Rumani hoàn toàn sử dụng tiền polymer thay cho tiền giấy truyền thống. Theo thống kê trên thế giới hiện có 23/200 quốc gia sử dụng công nghệ in tiền polymer nhưng chính xác thì hiện chỉ có 2 nước sử dụng trọn bộ tiền polymer (Úc và New Zealand) và Việt Nam là nước thứ 3 dùng phổ biến.

Danh sách các nước dùng tiền polymer
Hiện trên thế giới đã có 23 nước lưu hành đồng tiền in trên chất liệu Polymer, trong đó có ba nước sử dụng toàn bộ tiền polymer trong hệ thống tiền tệ; một số nước dùng giấy polymer cho một số mệnh giá; 6 nước hiện đang thử nghiệm tiền polymer dưới hình thức tiền lưu niệm. Các nước đó gồm Australia, Thái Lan, New Zealand, Singapore, Brazil..

Cấu tạo đồng tiền polymer
Giấy nền polymer
*Phim:
Trước tiên một chất nhựa tổng hợp đặc biệt có nguồn gốc từ dầu mỏ được làm nóng chảy và thổi vào đó luồng khí nén có áp suất lớn để tạo ra màng nhựa mỏng dạng bong bóng. Khi hút mạnh không khí ra, màng nhựa này sẽ đi qua thiết bị đặc chủng và được cán phẳng thành phim trong suốt, có độ đàn hồi và kích thước hợp lý.
Giấy nền
Tiếp theo, phim sẽ được in phủ bởi nhiều lớp hoá chất đặc biệt phù hợp với việc in tiền và tạo thành giấy nền polymer.
Phủ lớp mờ và vecni
Phủ lớp mờ chống "lộ chân" và in phủ véc-ni để bảo vệ lớp mực in trên đồng tiền trong quá trình lưu thông.

Quy trình in tiền polymer
Lúc phim được in phủ bởi nhiều lớp hoá chất đặc biệt phù hợp với việc in tiền và tạo thành giấy nền polymer thì đồng thời không những cài đặt các yếu tố bảo an tương tự như giấy in tiền truyền thống (hình bóng chìm, dây bảo hiểm...) mà còn tạo ra những cửa sổ trong suốt hai mặt (vùng không được in phủ), cho phép sử dụng công nghệ cao để cài đặt yếu tố hình ẩn, yếu tố chống giả đặc trưng của tiền polymer.
In tiền là bí mật công nghệ của từng nước.

Tiền polymer ở Việt Nam
Ở Việt Nam tiền polymer được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành bổ sung thông qua các loại đồng tiền mới có giá trị lưu hành song song với các đồng tiền cũ (không in thêm tiền giấy cotton mà được thay thế dần bằng tiền polymer) với mục tiêu đáp ứng nhu cầu lưu thông tiền tệ về cơ cấu mệnh giá (thêm loại tiền có mệnh giá lớn), chủng loại, đồng thời nâng cao chất lượng, nhất là khả năng chống làm giả của đồng tiền.

Lý do dùng chất liệu polymer làm tiền
Tiền giả có xu hướng gia tăng với diễn biến phức tạp và thực sự trở thành vấn nạn trên toàn thế giới, các quốc gia đều quan tâm nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới để nâng cao khả năng chống giả của đồng tiền. Việc thường xuyên thay đổi, bổ sung các mẫu tiền mới trong lưu thông là một biện pháp chống giả hữu hiệu mà các nước đã áp dụng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau khi nghiên cứu đưa ra loại tiền polymer có khả năng chống giả, có độ bền cao hơn, dễ cho người sử dụng nhận biết tiền giả hơn, khó làm giả hơn theo họ vì theo họ:

Tiền giấy cotton Việt Nam bị làm giả cao vượt tiêu chuẩn
Tiền giấy làm bằng cotton của Việt Nam trong những năm gần đây bị làm giả quá lớn, với tỉ lệ cao hơn tiêu chuẩn lưu thông tiền tệ của thế giới (trên 1 triệu đơn vị tiền tệ mà có 150 đồng tiền giả thì đồng tiền ấy phải đưa ra khỏi lưu thông, ở Việt Nam, tiền giả cotton mệnh giá 100.000 đồng ở mức 169 đến 416 tờ, loại 50.000 đồng là 106 đến 370 tờ).
Sử dụng chất liệu polymer để in tiền sẽ tạo điều kiện nâng cao khả năng chống làm giả tiền. Điều này theo Thống đốc Ngân hàng là đã được thừa nhận trên thế giới và theo ông ngay cả những tổ chức phản động chống Việt Nam ở nước ngoài chuyên tung tin đồn thất thiệt về chuyện đổi tiền ở Việt Nam cũng đã phải thừa nhận tiền polymer có độ chống giả rất cao.

Tiền polymer có độ bền cao
Giấy nền polymer có độ bền cơ học cao (chẳng hạn như khó dùng tay không để xé rách tờ bạc). Đây là yếu tố rất quan trọng làm tăng độ bền của đồng tiền. Cao gấp 2 đến 3 lần tiền cotton. Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kiểm nghiệm và kết luận độ bền của tiền polymer cao hơn so với tiền cotton 3-4 lần.

Chi phí hợp lý
Tiền polymer khó rách hơn, không thấm nước nên độ bền, tuổi thọ của đồng tiền sẽ dài hơn. Mặc dù chi phí tính toán để in được đồng tiền polymer cao gấp đôi tiền cotton.

Bảo đảm sức khỏe
Việc lựa chọn chất liệu này để in tiền còn xuất phát từ điều kiện khí hậu và tập quán sử dụng tiền mặt hiện nay của Việt Nam. Loại giấy polymer cũng không có cấu tạo sợi nên bề mặt không xốp. Tiền polymer được phủ lớp véc-ni nên tiền polymer không hút ẩm, giữ ẩm hay các chất bẩn khác. Do vậy, so với tiền giấy tiền polymer sạch hơn, ít gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người sử dụng và môi trường, nhất là trong điều kiện khí hậu Việt Nam và tập quán sử dụng tiền mặt hiện nay.

Tiền polymer phù hợp hệ thống
Giấy polymer có khả năng thích ứng với các thiết bị xử lý tiền, như máy ATM, máy đếm tiền, tuyển chọn tiền... như đối với tiền giấy

Bảo vệ người dân
Việc phát hành những loại tiền polymer mới sẽ góp phần nâng cao chất lượng và khả năng chống giả của đồng tiền Việt Nam, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người sử dụng đồng tiền. Song thực tế sau khi phát hành tiền polymer không hẵn đã có nhiều ưu điểm như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nhận định ban đầu.

[center](Còn tiếp)[/center]

[center]Giấy Polyme in tiền là gì? (Phần 2)[/center]
Chuẩn bị làm tiền polymer ở Việt Nam
Đề án về tiền mới được xây dựng từ năm 1995, Ngân hàng Nhà nước đã họp với Chính phủ Việt Nam tới 3 lần rồi trình qua Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam sau đó được Chính phủ cho phép phát hành.
Ngân hàng nhà nước đã cử chuyên gia có kinh nghiệm và được đào tạo bài bản sang các nước như Úc hoặc Singapore tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm về in tiền polymer.

Phát hành tiền polymer ở Việt Nam
Từ 17/12/2003 đến 30/08/2006 đã lần lượt phát hành 6 loại tiền polymer. Các loại tiền này lưu hành song song với tiền giấy làm bằng cotton. Nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngừng in loại tiền giấy làm bằng cotton khác kể từ khi sản xuất tiền mới bằng vật liệu polymer.

Thời gian phát hành tiền polymer
Thời gian phát hành đã được tính toán phù hợp tình hình kinh tế và nhu cầu thị trường cũng như yêu cầu chống làm giả của đồng tiền.

Lần đầu 2 loại tiền mới polymer mệnh giá 50.000 đồng và loại có mệnh giá lớn nhất từ trước tới lúc phát hành là loại tiền polymer mệnh giá 500.000 đồng vào ngày 17 tháng 12 năm 2003. Trong số tiền phát hành có 20 triệu tờ 50.000 đồng do công ty Úc in.

Vào ngày 5 tháng 8 năm 2004, Thủ tướng Chính phủ VN đã có Quyết định số 841 cho phép phát hành đồng tiền mới 100.000 đồng, trong đó yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải thông báo trước việc phát hành đồng tiền mới trước 10 đến 15 ngày đồng tiền đi vào lưu thông. Trên cơ sở đó ngày 17 tháng 8 năm 2004 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy tuyên bố kể từ 01 tháng 9 năm 2004 sẽ đưa vào lưu thông tiền 100.000 đồng mới, in trên giấy polymer, nhằm nâng cao khả năng chống giả của đồng tiền. Ông cho biết, vấn nạn tiền giả đang tiếp tục gia tăng tại Việt Nam, trong đó 100.000 đồng là một trong những mệnh giá bị làm giả nhiều nhất. Có những yếu tố trên tờ 100.000 đồng cotton giả không thể phát hiện được ở máy soi tiền thông thường mà phải kết hợp với bàn tay của các cán bộ kiểm ngân có kinh nghiệm chính vì vậy việc đưa vào lưu thông tờ 100.000 đồng mới là cần thiết và đúng lúc. Song ông không cho biết số lượng tiền phát hành.

Ngày 3 tháng 5 năm 2006, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chính thức công bố việc đưa vào lưu thông loại tiền polymer mệnh giá 20.000 đồng. và phát hành vào ngày 17 tháng 5 năm 2006. Sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa tiền polymer loại 20.000 đồng vào lưu thông, tiền 20.000 đồng bằng giấy cotton vẫn có giá trị lưu hành.
*Vào ngày 15 tháng 8 năm 2005 Ngân hàng nhà nước thông báo phát hành tiền mới polymer mệnh giá 10.000 đồng và 200.000 đồng vào ngày 30 tháng 8 năm 2006.
Đến lúc này đã có 6 loại tiền polymer phát hành, riêng các loại có mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống sẽ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành bằng tiền xu.

Số lượng tiền polymer phát hành
Phát hành từng đợt, không rõ tổng số tiền phát hành từng đợt nhưng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tính toán để không ảnh hưởng đến lạm phát.

Chuẩn bị tâm lý cho phát hành tiền polymer
Đã có thông báo rộng rãi trước gần nửa tháng cho nhân dân biết về thời gian, đặc điểm mẫu tiền phát hành cũng như trấn an về khả năng xảy ra lạm phát, các ngân hàng, máy rút tiền đồng loạt phát hành tiền mới.

Biến động thị trường
Không có biến động thị trường do phát hành tiền mới mặc dù ngay năm 2003 lúc tiền polymer mới xuất hiện đã có tin đồn về thu hồi tiền do in thiếu năm phát hành. Một số người hiện do lo sợ thông tin thu hồi tiền nhựa đã không nhận tiền mới.

Thái độ người dân
Sau một thời gian chờ đợi người dân háo hức và chấp nhận tiền chất liệu mới với nhiều dè dặt. Nhưng các nhược điểm, thiếu sót của tiền polymer đã nhanh chóng phát hiện làm người dân thất vọng về tiền polymer.

[center]Giấy Polyme in tiền là gì? (Phần 3)[/center]
Nhận dạng mẫu tiền
Các kỹ thuật đặc trưng về tiền của đồng tiền Việt Nam đang lưu hành có thể xem ở trang web của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

*Đồng 500.000 đồng polymer mới
Lưu hành từ ngày 17/12/2003:
Kích thước: 152mm x65mm
Giấy in: giấy nền polymer, có độ bền cao, không ảnh hưởng đến môi trường, có yếu tố bảo an đặc biệt như cửa sổ trong suốt, có hình ẩn hoặc hình dập nổi trong cửa sổ.
Màu sắc: nhìn tổng thể hoa văn trang trí và nội dung mặt trước, mặt sau màu lơ tím sẫm.
Nội dung mặt trước: dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quốc huy, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, 500.000 đồng bằng số và chữ, hình trang trí hoa văn dân tộc và hoa văn lưới hiện đại.
Nội dung mặt sau: dòng chữ “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”, phong cảnh nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên, 500.000 đồng bằng số và chữ, hình trang trí hoa văn dân tộc và hoa văn lưới.


*Đồng tiền 200.000 đồng polymer mới
Ngày phát hành: 30/8/2006
Kích thước: 148mm x 65mm.
Giấy in: Polymer.
Màu sắc tổng thể: Đỏ nâu.
Nội dung mặt trước: Dòng chữ "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" Quốc huy - Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - Mệnh giá 200.000 đồng bằng chữ và số - Hình trang trí hoa văn dân tộc và hoa văn lưới hiện đại.
Nội dung mặt sau: Dòng chữ "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam" - Phong cảnh vịnh Hạ Long - Mệnh giá 200.000 đồng bằng chữ và số - Hình trang trí hoa văn dân tộc và hoa văn lưới hiện đại.


*Đồng tiền 100.000 đồng polymer mới
Lưu hành từ ngày 1 tháng 9 năm 2004.
Kích thước: 144mm x 65mm
Giấy in: Giấy polymer có độ bền cao, không ảnh hưởng đến môi trường, có yếu tố bảo an đặc biệt như: cửa sổ trong suốt, có hình ẩn hoặc hình dập nổi trong cửa sổ.
Màu sắc: Nhìn tổng thể hoa văn trang trí và nội dung mặt trước và mặt sau màu xanh lá cây đậm
Cửa sổ nhỏ có yếu tố DOE (hình hoa cúc cách điệu, nhìn thấy khi soi trước nguồn sáng đỏ như đèn dầu, nến, bóng đèn sợi đốt)
Nội dung mặt trước: Dòng chữ: "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" - Quốc huy - Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chi tiết viền phát quang màu vàng cam dưới ánh sáng đèn cực tím - Mệnh giá 100.000 đồng bằng chữ và số phát quang dưới ánh sáng đèn cực tím - Hình trang trí hoa văn dân tộc và hoa văn lưới.
Nội dung mặt sau: Dòng chữ: "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam" - phong cảnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Mệnh giá 100.000 đồng bằng chữ và số - Hình trang trí hoa văn dân tộc và hoa văn lưới.


*Đồng tiền 50.000 đồng mới
Lưu hành từ ngày 17/12/2003
Kích thước: 140mm x 65mm.
Giấy in: giấy nền polymer, có độ bền cao, không ảnh hưởng đến môi trường, có yếu tố bảo an đặc biệt như cửa sổ trong suốt, có hình ẩn hoặc hình dập nổi trong cửa sổ.
Màu sắc: nhìn tổng thể hoa văn trang trí và nội dung mặt trước, mặt sau màu nâu tím đỏ.
Nội dung mặt trước: dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quốc huy, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50.000 đồng bằng số và chữ, cụm số 50000 không màu phát quang dưới ánh sáng đèn cực tím, hình trang trí hoa văn dân tộc và hoa văn lưới.
Nội dung mặt sau: dòng chữ “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”, phong cảnh Huế, 50.000 đồng bằng số và chữ, hình trang trí hoa văn dân tộc và hoa văn lưới hiện đại.

*Đồng tiền 20.000 đồng polymer mới
Ngày phát hành: 17/5/2006
Kích thước: 136mm x 65mm.
Giấy in: Polymer.
Màu sắc tổng thể: Màu xanh lơ đậm.
Nội dung mặt trước: Dòng chữ "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" - Quốc huy - Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - Mệnh giá 20.000 đồng bằng chữ và số - Hình trang trí hoa văn dân tộc và hoa văn lưới hiện đại.
Nội dung mặt sau: Dòng chữ "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam" - Phong cảnh Chùa Cầu, Hội An, Quảng Nam - Mệnh giá 20.000 đồng bằng chữ và số - Hình trang trí hoa văn dân tộc và hoa văn lưới hiện đại.

*Đồng tiền 10.000 đồng polymer mới
Ngày phát hành: 30/8/2006
Kích thước: 132mm x 60mm.
Giấy in: Polymer.
Màu sắc tổng thể: Màu nâu đậm trên nền màu vàng xanh.
Nội dung mặt trước: Dòng chữ "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" Quốc huy - Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - Mệnh giá 10.000 đồng bằng chữ và số - Hình trang trí hoa văn dân tộc và hoa văn lưới hiện đại.
Nội dung mặt sau: Dòng chữ "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam" - Cảnh khai thác dầu khí - Mệnh giá 10.000 đồng bằng chữ và số - Hình trang trí hoa văn dân tộc và hoa văn lưới hiện đại.

[center]Giấy Polyme in tiền là gì? (Phần 4)[/center]
Yếu tố bảo an của tiền polymer
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, giấy nền polymer cho phép ứng dụng nhiều kỹ thuật chống giả trong đồng tiền. Bên cạnh những yếu tố bảo an được ứng dụng tương tự như trong giấy in tiền cotton (hình bóng chìm, hình định vị, in Intaglio, chữ siêu nhỏ, dây bảo hiểm, yếu tố phát quang...), giấy nền polymer còn có những yếu tố bảo an đặc trưng, có hiệu quả cao trong việc chống làm giả, như yếu tố cửa sổ trong suốt có hình ẩn hoặc hình dập nổi trong cửa sổ. Đây là yếu tố chỉ có thể ứng dụng trên giấy nền polymer, có khả năng chống việc làm giả bằng các thiết bị như máy photocopy, thiết bị scan hay máy in lase. Ngoài khả năng chống giả cao, yếu tố cửa sổ trong suốt còn có ưu điểm rất dễ nhận biết. Việc in tiền trên chất liệu polymer cũng tính tới khả năng phân biệt tiền giả cho người khiếm thị.
Các đặc diểm kỹ thuật bảo an được phổ biến rộng rãi trên báo giấy hoặc trên mạng cho dân được biết trước khi phát hành tiền.

Đặc điểm kỹ thuật bảo an của giấy bạc 500.000 đồng mới
Những đặc điểm kỹ thuật bảo an của giấy bạc 500.000 đồng ở mặt trước tờ bạc:
1. Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969): Được in lõm tinh vi, khi vuốt nhẹ tay có thể cảm nhận được độ nổi của nét in.
2. Yếu tố hình ẩn: Tại cửa sổ nhỏ phía trên bên trái tờ giấy bạc có hình hoa sen cách điệu, nhìn thấy khi soi trước nguồn sáng đỏ như đèn dầu, nến, bóng đèn tròn.
3. Hình cửa sổ: Là yếu tố đặc trưng của giấy bạc Polymer, cửa sổ lớn hình bông hoa sen cách điệu nằm phía bên phải tờ giấy bạc có nền nhựa trong hai mặt, ở giữa có cụm số 500.000 đồng được dập nổi, nhìn thấy khi đưa nghiêng tờ giấy bạc.
4. Hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chỉ nhìn thấy khi soi tờ bạc trước nguồn sáng.
5. Mực đổi màu: Hình chim phượng nằm phía dưới góc trái tờ bạc, được in bằng mực đặc biệt, sẽ đổi màu khi soi tờ bạc dưới các góc nhìn khác nhau.
6. Dây bảo hiểm: Khi soi tờ bạc trước nguồn sáng nhìn thấy một dây bảo hiểm chạy dọc tờ bạc có các dòng chữ "NHNNVN" lặp đi lặp lại và đảo chiều.
7. Hình định vị: Nằm ở góc trên bên phải tờ bạc gồm 4 hình tam giác (mỗi mặt có hai hình). Khi soi tờ bạc trước nguồn sáng 4 hình hợp lại tạo thành 1 hình vuông, giữa các hình có khe trắng đều nhau.
8. Yếu tố IRIODIN: Chỉ hiển thị ở mặt sau của tờ bạc, là một dải màu vàng lấp lánh chạy dọc ở mặt sau tờ bạc có dòng số 500.000 đồng, dễ nhận biết khi đưa nghiêng tờ bạc.
9. Cụm số nổi: Khi vuốt nhẹ tay lên các cụm số 500.000 đồng phía trên bên phải và phía dưới bên trái có thể cảm nhận được độ nổi của nét in.
10. Mực không màu phát quang "500.000": Ở vị trí giữa tờ bạc có cụm số 500.000, nhìn thấy khi soi một tờ dưới ánh sáng đèn cực tím.
11. Dòng số sêry ngang màu đen: Kiểu số từ nhỏ đến lớn, phát quang màu xanh lơ khi soi dưới ánh đèn cực tím.
12. Dòng số sêry dọc màu đỏ: Kiểu số đều nhau, phát quang màu da cam khi soi dưới ánh đèn cực tím.
13. Mực màu hồng phát quang: Màu hồng xung quanh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh (mặt trước) và màu hồng sau phong cảnh (mặt sau) phát quang màu vàng khi soi dưới ánh đèn cực tím.
14. Mảng chữ siêu nhỏ (mặt trước): Được thiết kế bằng các dòng chữ "NHNNVN" lặp đi lặp lại, nhìn toàn bộ thấy 2 chữ VN rõ và đậm.
15. Những yếu tố nhận biết cho người khiếm thị gồm: 3 chấm hình vuông, 1 gạch dài nằm ở phía dưới góc trái tờ bạc và được in lõm tạo độ nổi cho người khiếm thị dùng tay để nhận biết.

Đặc điểm kỹ thuật bảo an của giấy bạc 50.000 đồng mới
1. Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969): Được in lõm, khi vuốt nhẹ tay cảm nhận được độ nổi của nét in.
2. Yếu tố hình ẩn: Tại cửa sổ nhỏ phía trên, bên trái tờ bạc có chữ Việt Nam đối xứng, nhìn thấy rõ khi soi trước nguồn sáng đỏ như đèn dầu, nến, bóng đèn tròn.
3. Hình cửa sổ: Là yếu tố đặc trưng của giấy bạc polymer, cửa sổ lượn hình mây cách điệu nằm phía bên phải tờ bạc là nền nhựa trong suốt hai mặt, ở giữa có cụm số 50.000 đồng được dập nổi, nhìn thấy khi chao nghiêng tờ bạc.
4. Hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chỉ nhìn thấy khi soi tờ bạc trước nguồn sáng.
5. Chữ Việt Nam sáng trắng: Nằm ở vị trí dưới bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi soi từ bạc trước nguồn sáng, sẽ nhìn thấy chữ Việt Nam sáng trắng.
6. Dây bảo hiểm: Khi soi tờ bạc trước nguồn sáng, nhìn thấy dây bảo hiểm ngắt quãng chạy dọc tờ bạc, có các cụm số 50.000 đồng lặp đi lặp lại.
7. Hình định vị: Nằm ở góc trên bên phải tờ bạc là hình hoa 8 cánh cách điệu. Khi soi tờ bạc trước nguồn sáng, hình hoa 8 cánh của mặt trước và mặt sau trùng khớp tạo những khe trắng đều nhau.
8. Hình ẩn nổi: Nằm ở phía dưới bên trái tờ bạc, được in nổi, khi đặt tờ bạc nằm ngang tầm mắt 180 độ thì sẽ thấy chữ Ngân Hàng nổi rõ.
9. Cụm sổ nổi: Khi vuốt nhẹ tay lên cụm số dọc 50.000 đồng phía trên bên phải và cụm số ngang phía dưới bên trái có thể cảm nhận được độ nổi của nét in.
10. Mực không màu phát quang “50000”: Ở vị trí giữa tờ bạc có cụm số 50000 đồng, nhìn thấy khi soi dưới ánh sáng đèn cực tím.
11. Dòng số sê-ri ngang màu đen: Kiểu số từ nhỏ đến lớn, phát quang màu xanh lơ khi soi dưới ánh sáng đèn cực tím
12. Dòng số sê-ri màu đỏ: Kiểu số đều nhau, phát quang màu da cam khi soi dưới ánh sáng đèn cực tím.
13. Mực màu vàng cam phát quang màu vàng: Màu vàng cam xung quang chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh (mặt trước) và màu vàng cam ở hình định vị (mặt sau) phát quang màu vàng khi soi dưới ánh sáng đèn cực tím.
14. Mảng chữ siêu nhỏ (mặt trước): được thiết kế bằng các dòng chữ “Ngân hàng nhà nước Việt Nam” lặp đi lặp lại, nằm phía dưới hàng số sê-ri đen bên phải, dùng kính lúp mới thấy rõ.
15. Yếu tố nhận biết cho người khiếm thị: Gồm 3 chấm hình quả trám nằm ở phía dưới góc trái tờ bạc, được in lõm, tạo độ nổi cho người khiếm thị dùng tay để nhận biết tờ bạc 50.000 đồng.

Đặc điểm kỹ thuật bảo an của giấy bạc 100.000 đồng mới
Có 16 đặc điểm kỹ thuật bảo an của giấy bạc 100.000 đồng
1. Chân dung Chủ tích Hồ Chí Minh (1890-1969): Được in lõm tinh vi, khi vuốt nhẹ tay cảm nhận được độ nổi của nét in.
2. Yếu tố hình ẩn: Tại cửa sổ nhỏ phía trên bên trái tờ bạc có hình hoa cúc cách điệu, nhìn thấy khi soi trước nguồn sáng đỏ như đèn dầu, nến, bóng đèn trong.
3. Hình cửa sổ: là yếu tố đặc trưng của giấy bạc Polymer, cửa sổ lớn hình tượng sách bút cách điệu nằm phía bên phải tời bạc có nền nhựa trong suốt hai mặt, ở giữa có cụm số 100.000 được dập nổi.
4. Hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nằm ở góc trên bên trái tờ bạc, sẽ nhìn thấy rõ hơn khi soi tờ bạc trước nguồn sáng.
5. Mực đổi màu: Hình hoa văn nằm phía trên góc phải tờ bạc được in bằng mực đặc biệt, sẽ đổi màu khi soi tờ bạc dưới các góc nhìn khác nhau.
6. Hình hoa sen sáng trắng: Nằm ở vị trí dưới bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẽ nhìn thấy rõ hơn khi soi tờ bạc trước nguồn sáng.
7. Dây bảo hiểm: Khi soi tờ bạc trước nguồn sáng nhìn thấy một sợi dây bảo hiểm chạy dọc tờ bạc có các dòng chữ: "NHNNVN*100.000" lặp đi lặp lại và đảo chiều.
8. Hình định vị: Nằm ở góc trên bên phải tờ bạc là biểu tượng của Khuê Văn Các gồm 8 ô màu. Khi soi tờ bạc trước nguồn sáng, các ô màu của mặt trước và mặt sau trùng khớp tạo nên các khe trắng đều nhau.
9. Yếu tố IRIODIN: là một dải màu vàng lấp lánh như màu kim loại chạy dọc ở mặt trước tờ bạc có hình hoa cúc cách điệu, dễ nhìn thấy khi chao nghiêng tờ bạc.
10. Cụm số nổi: Khi vuốt nhẹ tay lên các cụm số 100.000 phía trên bên phải và phía dưới bên trái có thể cảm nhận được độ nổi của nét in.
11. Mực không màu phát quang "100000": Ở vị trí giữa tờ bạc có cụm số 100000, nhìn thấy khi soi tờ bạc dưới ánh sáng đèn cực tím.
12. Dòng số sê-ri ngang màu đen: Kiểu số từ nhỏ đến lớn, phát quang màu xanh lơ khi soi dưới ánh sáng đèn cực tím.
13. Dòng số sê-ri dọc màu đỏ: Kiểu số từ nhỏ đến lớn, phát quang màu da cam khi soi dưới ánh sáng đèn cực tím.
14. Mực màu vàng phát quang màu vàng da cam: Màu vàng xung quanh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh (mặt trước) và màu vàng giữa phong cảnh (mặt sau) phát quang màu vàng cam khi soi dưới ánh sáng đèn cực tím.
15. Mảng chữ siêu nhỏ (mặt trước): Được thiết kế bằng các dòng chữ "NHNNVN" lặp đi lặp lại, nhìn toàn bộ thấy 2 chữ VN rõ và đậm.
16. Yếu tố nhận biết cho người khiếm thị: Gồm có 1 chấm hình vuông và 1 gạch dài nằm ở phía góc trái của tờ bạc, được in lõm tạo độ nổi cho người khiếm thị dùng tay để nhận biết tờ bạc 100.000 đồng.

Giấy Polyme in tiền là gì? (Phần 5)
Thiết kế mẫu tiền polymer
Công tác thiết kế mẫu tiền polymer là do các hoạ sỹ Việt Nam vẽ. Cụ thể là các họa sĩ....., trong đó có Trần Tiến, một trong hai họa sĩ thiết kế chính cho mẫu tiền nhựa 50.000 đồng và 500.000 đồng.

Chế bản
Mẫu được đưa sang Úc làm chế bản vi tính.

Sai sót trong thiết kế mẫu tiền polymer
Việc thiết kế mẫu tiền polymer có nhiều sai sót do người dân nhanh chóng phát hiện sau một thời gian ngắn tiền đưa vào lưu thông.
* Có sự khác biệt thiếu dấu chấm phân cách hàng ngàn và hàng trăm trên tờ tiền polymer 10.000 đồng (in 10000 thay vì 10.000). Ngân hàng Nhà nước giải thích là lỗi kỹ thuật khi thiết kế.
* Đối với tờ tiền polymer mệnh giá 50.000 đồng, dưới chân dung Hồ Chí Minh có in thêm dòng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh 1890-1969”, trong khi trên các tờ tiền polymer mệnh giá khác hoàn toàn không có thêm dòng chữ này dưới chân dung Hồ Chí Minh.
* Trên tờ tiền polymer mệnh giá 100.000 đồng cũng vừa phát hiện một chi tiết khác biệt. Ở mặt trước của đồng tiền mặt có chân dung, phía bên trái dưới số 100.000 lớn có sáu vòng cung nhỏ, trong mỗi vòng cung có in các số cực nhỏ 100000*100000. Tuy nhiên, riêng ở vòng cung thứ nhất (ngay dưới số 1) lại in 100000*10000, nghĩa là thiếu một con số không (0) ở vòng cung thứ nhất và không nhất quán với các vòng cung còn lại.
* Trên nhiều tờ tiền có mệnh giá 50.000, 100.000 và 200.000 đồng, các chữ số lớn đều có dấu chấm phân cách hàng ngàn và hàng trăm, trong khi các số in chìm và số trên cửa sổ trong suốt đều không có dấu chấm tương tự.

*Nhà máy in tiền quốc gia
Trước đây Việt Nam đã tự in tiền giấy và đã đầu tư đồng bộ nhà máy cũng như đào tạo bài bản cán bộ công nhân viên theo công nghệ in tiền giấy. Kể từ khi Nhà máy in tiền quốc gia vào hoạt động (1991) đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam chủ trương Việt Nam phải chủ động làm lấy đồng tiền trong nước để đảm bảo an ninh quốc gia.

Đầu tư
Năm 1997, Ngân hàng Nhà nước đã cho nhập về 2 công nghệ chế bản - một theo phương pháp in tiền cổ điển của Thụy Sỹ để in tiền giấy cotton (Nga, Mỹ, Đức, Trung Quốc... hiện vẫn đang dùng) và một phương pháp làm bản in Intaglio từ bản polymer. Tổng chi phí đầu tư của hai công nghệ này khá lớn. [cần dẫn nguồn] Trình độ công nghệ là hiện đại bậc nhất vùng Đông Nam Á thời bấy giờ.

Đào tạo
Cử cán bộ có kinh nghiệm về in tiền sang đào tạo ở Nga, Thuỵ Sỹ, Hungary về in tiền giấy cotton
Năng lực sẵn có
* Chủ động công nghệ in tiền cotton
Năm 1977 sau khi nhập công nghệ, chuyên gia Nhà máy in tiền đã chạy thử và rất phấn khởi khi chắc chắn từ nay Nhà máy đã có thể tự chủ động chế ra bản in tiền truyền thống trên giấy cotton đáp ứng nhiều yếu tố mà hiện chưa một nước công nghiệp hiện đại nào từ bỏ.
* Công nghệ in tiền polymer
Về phương pháp làm bản in Intaglio từ bản polymer, việc thử nghiệm cho thấy có thể thành công trên các chứng chỉ, giấy tờ có giá (trái phiếu, công trái). Tuy nhiên, với sản phẩm tiền thì chưa lần nào “thành công” ngoài tờ tiền lưu niệm.

Sự lãng phí trong đầu tư
Việc thay đổi chất liệu in làm tăng đáng kể chi phí đầu tư vì thay đổi công nghệ. Bỏ phí công nghệ hiện đại đã đầu tư.
* Lãng phí tài nguyên sẵn có: Trước tiên là các máy móc, thiết bị in tiền phải thay đổi, như hệ thống thiết bị chế bản in lõm cổ điển vừa được đầu tư hoàn chỉnh đã không sử dụng được. Đây lại là một hệ thống dây chuyền liên hoàn rất hoàn thiện và có thể nói hiện đại bậc nhất Đông Nam Á thời điểm bấy giờ dùng để chế ra khuôn mẫu in tiền cotton vừa mới nhập về chỉ kịp chạy thử đã bị bỏ quên.
* Hư hỏng thiết bị giàn điện tử đắt tiền, hư hỏng vật liệu làm chế bản phim đã nhập trước đó để in tiền giấy cotton.
* Phải duy tu, vận hành không tải hệ thống máy in tiền công nghệ giấy cotton hiện đại vừa mới trang bị.
* Đào tạo lại càn bộ đã có, không sử dụng được vốn quý con người, tay nghề, kinh nghiệm của các cán bộ, công nhân đã làm chủ được công nghệ in tiền giấy cotton trước đó.
* Mở rộng nhà xưởng để làm nơi phơi tiền.
* Tăng nhân công, tăng ca do lỗi sản phẩm nhiều và do phát sinh công tác. Số lượng lao động phục vụ việc in tiền tại nhà máy tăng gấp rưỡi, từ 400 người trước đây tăng lên gần 600 người, chế độ làm việc từ 40 giờ/tuần tăng lên 48 giờ/tuần, thời gian làm thêm giờ cũng tăng cao trong khi lượng tiền in ra là tương đương nhau.
[center]Giấy Polyme in tiền là gì? (Phần 6)[/center]
In tiền

*Chi phí in cao
Do chi phí giấy, mực, chế bản tiền polymer của Việt Nam mua từ nhà cung cấp độc quyền của công nghệ in tiền polymer của Nhà máy in tiền quốc gia của Australia (NPA), hơn hai mươi nước trong đó có Việt Nam phải mua giấy từ hãng độc quyền là Securency, cộng thêm việc tăng chi phí lao động giờ làm (so cùng một lượng tiền giấy cotton, việc in tiền polymer tốn nhiều công lao động hơn), giá thành làm tiền polymer đắt hơn tiền cotton.
Cán bộ tăng do phát sinh thêm khâu chọn giấy để thải loại loại giấy polymer kém chất lượng, hoặc tăng cán bộ kiểm chất lượng tiền polymer do lỗi nhiều hơn tiền cotton.
Chi phí tăng do phải phơi tiền vì giấy polymer không thấm mực nên mực lâu khô, lại dễ lây bẩn sang tờ khác.
Chi phí tăng do phải mở rộng nhà xưởng.

Phụ thuộc
Việc in tiền polymer lệ thuộc và trông chờ vào phim chế bản đồng tiền trong ổ máy tại Nhà máy in tiền quốc gia Australia.

Tính bảo mật
Tùy thuộc vào uy tín và khả năng bảo mật của Nhà máy in tiền quốc gia Australia do chế bản in tiền được làm từ đó.

Thay đổi mẫu để chống tiền giả
* Nhu cầu thay đổi mẫu
Để chống tiền giả các nước thường dùng biệnpháp thay đổi mẫu.Thời gian thay đổi mẫu tiền trung bình là...
* Hạn chế
Với tiền cotton, chi phí cho sản xuất tiền thấp hơn tiền polymer nên việc thay đổi mẫu tiền diễn ra thuận lợi và chi phí thấp hơn.
Còn với tiền polymer, độ bền có thể gấp đôi, gấp ba tiền cotton nhưng chi phí sản xuất và thiết kế cao hơn nhiều nên việc thay đổi mẫu mã cũng phức tạp hơn. Do đó việc chống giả thông qua thay đổi mẫu mã tiền polymer đã bị hạn chế.

Giấy in tiền
Tiền polymer Việt Nam in trên nền giấy độc quyền polymer (phụ thuộc hoàn toàn vào duy nhất nhà cung cấp NPA - nhà máy in tiền quốc gia của Australia) dẫn đến bị độc quyền khống chế cả về giá thành và chất luợng giấy.
Vật liệu giấy
Công thứ giấy bí mật chỉ do nhà cung cấp Nhà máy in tiền quốc gia của Australia (NPA) có bản quyền.
Chất lượng giấy
Chất lượng giấy in tiền là không đảm bảo, theo cán bộ của Nhà máy In tiền quốc gia phản ảnh.
Nhà máy buộc phải lập thêm một bộ phận để chọn và công ty bán máy công nghệ này cũng đã phải bán thêm cả máy chọn để lọc loại ra những giấy in không đảm bảo chất lượng. Đây là điều mà trước đây khi in tiền cotton không bao giờ có, chỉ cần kiểm đếm là in ngay sau khi nhận giấy.

Tác động của đặc tính không thấm nước hoặc mực
Từ đặc tính không thấm mực của tiền polymer, thời gian "phơi" cho khô mực của loại tiền này lâu gấp đôi tiền cotton, do đó diện tích nhà xưởng phải mở rộng rất nhiều để đảm bảo có đủ chỗ chứa.
Và kể cả mở rộng như vậy, tỉ lệ sản phẩm hỏng cũng rất cao do bị “dính lấm” từ tờ nọ sang tờ kia.

 


Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn