Tìm hiểu về Lịch sử hình thành và phát triển của Thung lũng Silicon ở Mỹ



Sự hình thành và phát triển của Thung lũng Silicon gắn liền với một trường đại học, một giáo sư điện tử, một công ty "start-up", một nhà vật lý nhận Giải Nobel, tám "kẻ phản bội", nhiều tài năng trẻ, nhiều ý tưởng thông minh, nhiều nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, và cả những cuộc chiến cạnh tranh ngày càng quyết liệt trên thị trường công nghệ cao thế giới.




Những người khai sinh thung lũng  
“Thung lũng Silicon” là cái tên mà báo chí đã đặt cho Thung lũng Santa Clara từ những năm 1970. Thực ra, Santa Clara chỉ là một “bán” thung lũng, phía tây được bao bọc bởi rừng và các dãy đồi, còn phía đông là Vịnh San Francisco. Năm mươi năm về trước, đây vốn là một nơi yên tĩnh, vắng vẻ, với nhiều vườn cây ăn quả, chỉ mới có duy nhất một trung tâm lớn là Đại học Stanford.
Công nghệ điện tử sơ khai đã xuất hiện ở Santa Clara từ cuối thế kỷ 19, mặc dù quy mô của nó còn khiêm tốn. Năm 1890, công ty điện báo liên bang đã được thành lập ở Palo Alto, một thành phố nằm ở khu vực Vịnh San Francisco. Cũng vào thời gian đó, tại thành phố San Jose nằm trong thung lũng, người ta đã lần đầu tiên thực hiện được sự truyền sóng radio liên tục. Công nghệ khuếch đại bằng đèn chân không khi đó đã cho phép sự truyền tín hiệu đàm thoại qua khoảng cách từ bờ phía đông sang bờ phía tây của vịnh.









David Packard, Frederick TermanWilliam Hewlett, thập kỷ 1970 (từ trái sang phải)

 Frederick Terman có thể được coi là cha đẻ của Thung lũng Silicon. Vốn là con trai của một giáo sư ở Stanford, Frederick nhận được học vị phó tiến sỹ kỹ thuật điện ở MIT và cũng trở thành một giáo sư về điện tử ở Đại học Stanford. Cuốn Bài giảng về kỹ thuật vô tuyến của Terman đã cuốn hút được rất nhiều sinh viên tài năng, trong số đó có David Packard và Bill Hewlett. Năm 1938, với sự khuyến khích của Terman, Packard và Hewlett đã phát triển thành công một loại mạch dao động mới. Một năm sau đó, với số vốn ban đầu 538 USD, hai người này đã thành lập nên công ty “start-up” công nghệ cao đầu tiên. Hiện nay, HP (Hewlett-Packard) được biết đến như một công ty lừng danh thế giới.
Vào thập kỷ 1950, Terman đã mang về Santa Clara nhà vật lý William Shockley cùng với công nghệ bán dẫn Silicon. Trước đó, vào năm 1947, tại Bell Lab, Shockley cùng với hai đồng nghiệp là Bardeen và Brittain đã chế tạo thành công chiếc transitor bán dẫn đầu tiên. Ba người được nhận Giải Nobel vào năm 1956. Sự ra đời của transitor đã đánh dấu sự chuyển mình vĩ đại của công nghệ điện tử. Có cùng các chức năng nhưng transitor ưu việt hơn rất nhiều so với đèn chân không, nó nhỏ hơn, ít tỏa nhiệt hơn, ổn định hơn và phản ứng nhanh hơn.
 
"Tám kẻ phản bội"
 








Nhóm "Tám kẻ Phản bội" ở tập đoàn Fairchild

Năm 1956, Shockley thành lập cơ sở riêng của ông ở Palo Alto mang tên “Phòng thí nghiệm Bán dẫn Shockley” để sản xuất transitor và các link kiện bán dẫn khác. Shockley là một nhà khoa học cực kỳ thông minh nhưng lại là một nhà quản lý tồi. Sau một năm điều hành nhà máy, tám nhân viên hàng đầu của Shockley đã dời bỏ ông. Shockley đã tức giận gọi họ là “tám kẻ phản bội.” Tám người đó là Sheldon Roberts, Eugene Kleiner, Jean Hoerni, Gordon Moore, Jay Last, Victor Grenich, Julius Blank, và Robert Noyce. Họ có một ý tưởng về cái gọi là “transitor silicon khuếch tán kép” nhưng Shockley nghĩ là quá viển vông nên đã từ chối không cho họ tiếp tục nghiên cứu về nó. 
“Tám kẻ phản bội” bỏ đi, tìm đến sự giúp đỡ của một ngân hàng đầu tư ở New York. Người của ngân hàng này đã giới thiệu họ với Sherman Fairchild, chủ một nhà máy thiết bị quân sự ở Long Island. Vốn là một kỹ sư nên Fairchild cũng phần nào hiểu được ý tưởng của nhóm tám người, ông đã giúp cho họ một khoản vay 1,5 triệu USD. Và kết quả là, năm 1957, tại thành phố Mountain View (gần Palo Alto), Tập đoàn Bán dẫn Fairchild được thành lập nhằm khai thác ý tưởng công nghệ của “tám kẻ phản bội.” Khái niệm về “transitor silicon khuếch tán kép” đã đạt được sự chấp thuận của không lực Hoa Kỳ. Điều đó đã khích lệ nhóm tám người vượt qua được những khó khăn kỹ thuật để chế tạo thành công loại transitor mới. Và chỉ sau một năm rưỡi, loại transitor này đã trở thành một sản phẩm độc quyền của Tập đoàn Fairchild.

Từ IC đến PC
 









Công viên Nghiên cứu Stanford (Stanford Research Park)

Năm 1958 là năm đánh dấu bước chuyển mình thứ hai của công nghệ điện tử. Chiếc mạch tổ hợp (IC) được phát triển bởi Robert Noyce (một trong “tám kẻ phản bội”) lần đầu tiên được đưa vào sản xuất. Thành công của Noyce đã trở thành yếu tố quyết định cho sự cất cánh của Tập đoàn Bán dẫn Fairchild. Năm 1959, Sherman Fairchild đã quyết định mua lại toàn bộ tập đoàn mang tên ông. Mỗi người trong nhóm tám nhận được 250.000 USD, một khoản tiền đủ làm họ trở nên giàu có vào thời đó. Nhưng một hệ quả không hay cho Fairchild đã xảy ra, “tám kẻ phản bội” dần dần đoạn tuyệt với tập đoàn, hai người ra đi sau cùng là Noyce và Moore, vào năm 1968. Fairchild chấm dứt hoạt động. Bây giờ, thay thế cho đại bản doanh của nó ở Mountain View là toàn văn phòng của hãng Netscape.
Tháng 7 năm 1968, vẫn tại Mountain View, Noyce và Moore thành lập công ty “Integrated Electronics”, gọi tắt là Intel. Họ không đơn giản là chỉ lặp lại những việc đã làm ở Fairchild mà còn vạch ra một hướng chiến lược hoàn toàn mới, đó là chiến lược thu nhỏ các mạch tổ hợp. Năm 1969, chíp nhớ đầu tiên ra đời, mang nhãn hiệu Intel, và đến năm 1971 là sự ra đời của bộ vi xử lý đầu tiên. Thung lũng Santa Clara bắt đầu được gọi bằng cái tên “Thung lũng Silicon” của Mỹ kể từ một bài báo của Dan Hoefler đăng trên tờ Electronic News. Thời kỳ đầu, giống như Fairchild, Intel chủ yếu cung cấp các sản phẩm phục vụ lĩnh vực quân sự. So với đối thủ chính là hãng Texas Instruments, Intel đã thay đổi đến tận gốc rễ phương thức sản xuất, đặt ra những chuẩn mực cao hơn về mức độ tin cậy. Hai năm sau khi bộ vi điều khiển đầu tiên mang tên TMS1600 của Texas Instruments ra đời, Intel đã đuổi kịp Texas với sản phẩm Intel 8748.
Các bộ vi điều khiển đã tạo điều kiện về mặt kỹ thuật cho sự ra đời của các máy tính cá nhân (PC). Năm 1976, hai chàng tài tử trẻ tuổi là Steve Wozniak (26 tuổi) và Steve Jobs (21 tuổi) đã lắp ráp nên chiếc PC đầu tiên, gồm cả một bàn phím và một monitor, nó được gọi là Apple 1. Với sự giúp đỡ về vốn của Arthur Rock, các chàng trai trẻ đã thành lập được hãng Máy tính Apple và nhanh chóng tung ra thị trường sản phẩm PC Apple 2. Đến năm 1978, Apple đã thu được một lợi nhuận hơn 2 triệu USD.

Thời đại "dotcom"
 

Giai đoạn phát triển tiếp theo của Thung lũng Silicon bắt đầu vào năm 1993 với sự khai thác thương mại đối với Internet và sự ra đời của “world wide web.” Internet bắt đầu được truy cập rộng rãi là nhờ vào chương trình “Mosaic” được phát triển bởi chàng sinh viên 21 tuổi  Marc Andreesen ở Đại học Illinois. Nó vốn là một phần mềm miễn phí và đã có số người sử dụng lên đến 1 triệu, tính đến cuối năm 1993. Vì Đại học Illinois không mấy quan tâm đến Mosaic nên sau khi tốt nghiệp, Andreesen quyết định khăn gói đến Thung lũng Silicon tìm vận may. Ở đây anh đã gặp Jim Clark, nhà sáng lập giàu có của hãng Silicon Graphic. Đến tháng 4 năm 1994, họ đã cùng nhau thành lập hãng Mosaic Communications, ít lâu sau được đổi tên thành Netscape. Đến tháng 10 năm đó, Netscape đã tung ra thị trường sản phẩm trình duyệt (browser) đầu tiên của nó mang tên “Navigator,” phần mềm này thậm chí còn thành công hơn cả Mosaic. Ngược lại với các dự định ban đầu của Andreesen, Netscape ngay lập tức đòi những người dùng  phải trả tiền cho Navigator. Sự nổi lên của Netscape từ Thung lũng Silicon có vẻ như đã tạo ra một sự khiêu khích đối với Bill Gates ở Micosoft. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Gates tung ra Window 95 có kèm theo trình duyệt “Internet Explorer” miễn phí. Nước cờ của Gates đã tỏ ra rất thành công khi gây ảnh hưởng đến con đường kiếm tiền của Netscape. Đến năm 1998. Netscape không còn lựa chọn nào khác là phải miễn phí hóa trình duyệt của mình. Netscape được tiếp quản bởi American Online (AOL) vào tháng 11 năm 1998. Tuy bị tuột khỏi tay thị trường trình duyệt nhưng nó vẫn là một đối thủ sừng sỏ trên sân chơi công nghệ Internet.
Trong thời gian các cao thủ Microsoft và Netscape đang đánh nhau, hai nghiên cứu sinh Đại học Stanford là  Jerry Chih-Yang và David Filo đã thiết lập nên cái gọi là “Jerry’s Fast Track to Mosaic,” sau này đổi tên thành "Yahoo." Đến cuối năm 1994, Yahoo đã có 100.000 người truy cập mỗi ngày. Ban đầu, mục đích tạo ra Yahoo của Chih-Yang và Filo chỉ là để chơi cho vui, nhưng sau đó họ đã biến nó thành công việc làm ăn. Để kiếm tiền, họ đã quyết định vận hành nó theo kiểu một đài phát thanh tư nhân, cung cấp các dịch vụ và cho đăng quảng cáo. Cùng với sự tham gia của Mike Moritz và nguồn vốn đầu tư mạo hiểm Sequoia, Yahoo đã danh chính ngôn thuận trở thành một công ty trách nhiệm hữu hạn vào năm 1995. Trụ sở của nó cũng "bon chen" được vào khu vực Mountain View. Bí quyết thành công của Yahoo cũng giống như nhiều công ty khác trong Thung lũng Silicon, đó là họ đã có ý tưởng hay, đúng nơi và đúng lúc. Để chiếm lĩnh niềm tin của khách hàng, Yahoo đã sớm cung cấp cho cư dân mạng những địa chỉ Email miễn phí và thường xuyên duy trì liên kết với các website khác. Tính đến 1999, sau 4 năm thành lập, từ số vốn ban đầu 1 triệu USD, tài sản của Yahoo đã tăng lên đến 8 tỷ USD.  
T.T. lược thuật

Lược sử Thung lũng Silicon cũng không thể không kể đến các anh tài hàng đầu thế giới về công nghệ phần mềm. Nổi bật lên trong số đó là Oracle, hãng phần mềm lớn thứ hai thế giới sau Microsoft. Xuất phát điểm với 2000 USD vào năm 1977, tính đến 1999, tài sản của hãng này đã lên tới 50 tỷ USD. Cùng với Oracle là nhiều cái tên quen thuộc khác có trụ sở làm việc ở Thung lũng Silicon như: Sun Micro Systems, 3D Graphics, và Silicon Graphics, tất cả đều phát triển xung quanh môi trường Đại học Stanford.

Đại học Stanford - một phần cơ thể của Thung lũng Silicon
Năm 1953, Frederick Terman đã phát động một chương trình hợp tác để tạo cơ hội cho các kỹ thuật viên làm việc tại các công ty trong thung lũng có thể tham dự các khóa học buổi tối ở Đại học Stanford để nâng cao kiến thức. Chương trình này đã thắt chặt thêm sự gắn bó giữa trường đại học và các công ty trong thung lũng. Nó cho phép các kỹ sư có thể học hỏi và cập nhật kịp thời những kiến thức mới, đồng thời các thành viên trong trường đại học cũng có dịp được tiếp xúc với thực tiễn công nghệ. Đồng thời, Terman cũng đã thành lập nên "công viên công nghiệp" đầu tiên của trường đại học, gọi là Công viên Nghiên cứu Stanford. Tính đến năm 2000, nơi này đã có khoảng 50 công ty với 23.000 nhân viên và 50 trung tâm nghiên cứu. Các viện nghiên cứu đóng vai trò như sợi dây liên kết giữa Đại học Stanford và nền công nghiệp của Thung lũng Silicon. Việc đào tạo nâng cao chuyên môn cho các cán bộ trẻ được vận hành thông qua mạng lưới xã hội được thiết lập giữa các công ty và các giáo sư đại học. Những giám đốc của các trung tâm nghiên cứu luôn là những người vừa có chuyên môn như các giảng viên đại học lại vừa có năng lực và kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh.
Ở Thung lũng Silicon, có vẻ như hãng nào càng ra đời muộn thì lại càng "béo nhanh", thậm chí nhanh với tốc độ chóng mặt. Hewlett-Packard (ra đời năm 1939) phải mất 47 năm để đạt tới tài sản 1 tỷ USD. Trong khi đó, để "béo" được bằng mức ấy, Yahoo (thành lập năm 1995) chỉ mất 2 năm, còn Netzero (sinh năm 1998) chỉ mất 6 tháng! (Nhận xét ở đây đã bỏ qua số vốn ban đầu của các hãng, vì vốn ban đầu dù là vài trăm USD hay vài triệu USD thì vẫn coi là rất nhỏ so với 1 tỷ USD.)



Để có thể trở thành Thung lũng Silicon


Margaret O’Mara (tạp chí Foreign Policy) phân tích thành công của thung lũng Silicon và đưa ra lời khuyên dành cho những thành phố đang có ý định trở thành thành phố công nghệ trong tương lai. 

Từ những năm 1960, các nhà lãnh đạo thế giới như Pháp, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc… đã có những chuyến thăm viếng Thung lũng Silicon với mong muốn phỏng theo mô hình này xây dựng những khu công nghệ cao của mình. 

Trong vòng 1 thập kỷ, Chính phủ Pháp đã tạo nên được một trung tâm công nghệ cao Sophia Antipolis, dọc theo Cote d’Azur. Các công ty đa quốc gia thành lập chi nhánh ở đây. Hiện nay đây là một trung tâm thương mại thế giới nhưng không phải là trung tâm của đối mới sáng tạo. Trung Quốc đã xây dựng những khu nghiên cứu phát triển trên diện tích rộng, nơi chỉ một thập kỷ trước đây là một cánh đồng trồng lúa và nhãn, với nhiều không gian mở, thư viện tốt với nhiều phòng thí nghiệm mới, công nghệ cao gần hai trường Đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh, hi vọng sẽ thu hút những kỹ sư, nhà khoa học tài năng để thúc đẩy hoạt động kinh doanh công nghệ cao. Khi tôi hỏi các kỹ sư của Trung Quốc giỏi giang, làm việc chăm chỉ rằng họ có ý định ở lại đây lâu dài hay không? Họ trả lời: Không đời nào. 

Nguyên nhân của sự không thành công của các khu công nghệ cao trên là do nhiều người không hiểu được bí mật của Thung lũng Silicon là ở chỗ nó không dự định trở thành thành phố silicon. Thung lũng tồn tại và phát triển vì những yếu tố ngoài dự định ban đầu của những người khởi đầu xây dựng. 

1. Cung cấp tiền cho những người tài năng và để họ tự do hoạt động 

Thung lũng Silicon là kết quả của hơn 60 năm đầu tư của cả tư nhân và Nhà nước. Chính phủ Mỹ là nhà đầu tư mạo hiểm đầu tiên của thung lũng, nuôi dưỡng hệ thống đổi mới sáng tạo thông qua việc tài trợ nghiên cứu khoa học trong hai thập kỷ đầu của chiến tranh lạnh do lo sợ về sức mạnh khoa học của Nga. Phần lớn khoản tiền này chảy vào các trường đại học nghiên cứu. Bắc California trở thành quê hương của hai trường đại học danh giá của Mỹ: Đại học Stanford và Đại học California, Berkeley. Các cố vấn khoa học của Tổng thống Eisenhower viết trong bản báo cáo thường niên năm 1960, “các trường đại học là những tổ chức trọng yếu cho niềm hy vọng của dân tộc, và phải được đối xử một cách đúng đắn”.



Washington đưa ra yêu cầu và kiểm tra nhưng không tiến hành quản lý việc nghiên cứu. Chính phủ trở thành một trong những đối tác quan trọng của những công ty thành công như Hewlett Packard và Varian Associates. Năm 1971, với sự đồng ý của Chính phủ cho phép phát triển mạnh ngành công nghiệp điện tử ở ngoại ô phía Nam của San Francisco, nhà báo Don Hoefler đưa ra tên gọi “Thung lũng Silicon”. Cái tên này được dùng từ đó tới giờ. Sau một thời gian, những hợp đồng của Chính phủ giảm đi tuy nhiên những cơ hội thương mại mới được mở ra. Và các khoản tiền đầu tư đến với các doanh nghiệp tại Thung lũng Silicon. Mô hình đầu tư mạo hiểm này được tạo cho Bay Area, nơi có truyền thống mạo hiểm từ ngày nước Mỹ đổ xô tới bờ Tây tìm vàng, với một cộng đồng nhà đầu tư sẵn sàng đặt cược vào những doanh nghiệp mới của những ông chủ phần lớn bị xem là những kẻ nổi loạn, kẻ ngoại đạo và thậm chí mới chỉ vừa qua tuổi teen. 

Sự táo bạo, cơ chế trọng dụng nhân tài của Thung lũng Silicon  đã tạo ra cơ hội tuyệt vời cho những nhà đầu tư nước ngoài. Chính sách của Chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng ở đây với những chính sách thoáng về người nhập cư, thu hút sinh viên nước ngoài tài năng từ những nước như Trung Quốc, Ấn Độ. Theo một nghiên cứu của trường Đại học Berkeley, hơn một nửa công ty tại Thung lũng Silicon là do người nước ngoài thành lập. 

2. Tìm ra được một trường đại học hàng đầu 

Những trường đại học hàng đầu không chỉ có giá trị như là trung tâm nghiên cứu mà còn là mạng lưới quan hệ cần thiết cho hoạt động kinh doanh. 

Thật khó có thể nghĩ Stanford-một cơ sở giáo dục bình thường  của những năm 1950 có thể trở thành một trung tâm công nghệ. Tuy nhiên, trường đại học đã tận dụng được khoản tiền nghiên cứu lớn trong giai đoạn chiến tranh lạnh để trở thành trung tâm khoa học và công nghệ. Vào năm 1951, những người lãnh đạo của trường nhận ra có thể thu hút các cựu sinh viên của trường tới khu nghiên cứu Palo Alto được xây dựng ngay gần kề trường đại học với mục đích thu hẹp khoảng cách giữa bên công nghiệp và nghiên cứu hàn lâm. Và Frederick Terman, Hiệu trưởng trường Đại học Stanford, đã mời được những cựu sinh viên tài năng của mình bắt đầu sự nghiệp tại đây trong số đó phải kể tới William Hewlett và David Packard. Stanford tiếp tục trở thành cỗ máy sản xuất nhân tài và những ý tưởng thông minh cho Thung lũng Silicon. Những CEO của các công ty công nghệ xuất thân từ Stanford nhiều hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Một vài những người đứng đầu công ty Google và Yahoo! đã từng là sinh viên của trường đại học này.





3. Đừng quên vị trí đóng vai trò quan trọng 

Thung lũng Silicon trở nên thịnh vượng vì nó có những ưu điểm thu hút những người tài năng lựa chọn làm nơi sinh sống. Những năm 1950, 1960, hàng nghìn người Mỹ đã chuyển từ vành đai sắt thép (Rust Belt) tới vành đai Mặt trời (Sun Belt) và từ thành phố về vùng ngoại ô. Thung lũng đúng là nơi mà họ khao khát: cách xa những thành phố nhộn nhịp, có nhiều đất trống để xây nhà, đường, các khu văn phòng. Các thành phố công nghiệp bờ Đông không có được ưu điểm này. Những vị trí khác như Philadelphia, Baltimore có những trường đại học hàng đầu nhưng những khu vực dân cư trong thành phố khó có thể có được nhịp sống họ mong muốn. Thung lũng Santa Clara có thời tiết đẹp, khuyến khích các hoạt động ngoài trời, những trường học tốt và đất đai rộng rãi. 

Tại Thung lũng Silicon, mọi người không phải quan tâm tới những vấn đề khác ngoài công việc của họ. Tiền kiếm được dễ dàng, các vấn đề xã hội cách xa hàng nghìn dặm. Và quan trọng hơn, thành công sẽ nối tiếp thành công. 

Bí mật của Thung lũng Silicon là ở chỗ nó không dự định trở thành thành phố silicon. Thung lũng tồn tại vì những động lực khác mạnh hơn: chi tiêu cho khoa học trong Chiến tranh lạnh, GDP cao, tỷ lệ di cư-nhập cư cao, tính mạo hiểm, năng lực lãnh đạo, thời tiết thuận lợi… 

Tin tốt cho những người muốn xây dựng Thung lũng Silicon là họ không còn ở thời những năm 1950. Toàn cầu hóa đã thay đổi sân chơi, công nghệ giúp rút ngắn khoảng cách giữa con người. Thung lũng Silicon góp phần tạo nên một chuỗi cung cấp công nghệ trong đó nhiều thành phố hiện nay đóng vai trò quan trọng. Các kỹ sư viết mã tại Bangalore, các chuyên gia công nghệ thông tin trả lời điện thoại tại Bucarest, các con chip silicon được sản xuất tại Singapore, các công ty mạng xã hội phát triển tại Sao Paulo. Không thể có chuyện điều kỳ diệu chỉ xảy ra ở một nơi duy nhất. 

Tuy nhiên, việc lựa chọn vị trí vẫn đóng vai trò quan trọng và những yếu tố đúng đắn khác sẽ tạo nên sự khác biệt. Một vài câu chuyện thành công của các trung tâm công nghệ lớn trên thế giới trong vòng hai thập kỷ qua như ở Ireland, Ấn Độ là kết quả của những chính sách hợp lý của Chính phủ từ việc giảm thuế, bỏ bớt các rào cản đầu tư nước ngoài– chứ không chỉ dừng lại ở xây dựng các trung tâm nghiên cứu. 

Không phải tất cả mọi nơi đều có thể là Thung lũng Silicon, cũng như không phải tất cả mọi nơi đều phải trở thành như vậy. Một môi trường lý tưởng cho các doanh nhân có thể là nơi sỏi đá hay thành thị, không nhất thiết phải là một công viên văn phòng yên tĩnh, ngập cỏ của Thung lũng Santa Clara. 


 

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn