Một lời nói xấu, một sự chống đối, một mâu thuẫn, một áp lực công việc, một sự cố, hay một hành động tồi…đều có thể khiến bạn nổi giận hoặc muốn nổi điên. Bạn thể hiện sự giận dữ của mình như thế nào? mắng chửi té tát, đay nghiến, nguyền rủa, đá thúng đụng nia, hay thậm chí dùng bạo lực. Cũng có thể bạn ngậm đắng nuốt cay, cố nuốt cục tức trôi xuống mà nó nghẹn ở cổ họng, hoặc là bạn nhếch mép cười chua xót vì chẳng thể làm được gì hơn
Vậy khi tức giận nên làm gì ? Nhiều khi bạn thấy rằng việc bạn chửi bậy, nói cho đã cơn giận, hoặc ném cái gối, đấm cái bị hay sử dụng tay chân thay cái đầu có thể giúp cơn giận của bạn hạ nhiệt. Nhưng thực tế cần hạn chế xử lý giận dữ kiểu này vì nó có thể khiến bạn phát triển kiểu ứng xử điên khùng và đập phá ngày càng tệ hại hơn. Bạn có thể cho rằng do bạn nóng tính. Đúng, nhưng nó cũng thể hiện rằng khả năng kiểm soát cảm xúc của bạn kém. Nếu đối phương là người nhẫn nhịn, bạn có thể hung hăng xả cơn giận nhưng nếu mức độ xảy ra thường xuyên thì con giun xéo lắm cũng quằn, lúc đó hoặc họ có xu hướng xa lánh bạn hoặc sẽ xuất hiện sự phản kháng. Nếu đối tượng cũng không phải dạng vừa thì có khi người gãy người què, kẻ tù người tội.
Vậy bạn phải khôn ngoan bảo vệ cơ thể khỏi cảm xúc này bằng cách sử dụng trí tuệ để xử lý giận dữ một cách có kỹ thuật. Sau đây là một số cách bạn có thể tham khảo để xử lý cơn giận của mình:
1. Hãy học cách bào chữa và cảm thông:
Một người bán hàng có thái độ thiếu lịch thiệp với bạn, thay vì nổi giận vì nghĩ rằng họ coi thường, không tôn trọng mình, hãy kiềm chế cơn giận bằng cách bào chữa hay cảm thông cho họ như nghĩ rằng gia đình họ đang gặp chuyện buồn hay chắc lương họ thấp mà công việc lại nhiều và áp lực khiến họ khó chịu. Khi bạn suy nghĩ theo hướng tích cực như thế, cơ mặt của bạn sẽ thư giãn hơn, hơi thở được điều hòa, huyết áp và nhịp tim sẽ không nhảy múa như khi bạn tức giận.
2. Học cách đánh lạc hướng suy nghĩ:
Bản thân mình là một người nóng tính. Trong khi giận nhau với chồng, nhiều khi ngồi ăn cơm với nhau mà không ai nói câu gì, mình phải đánh lạc hướng suy nghĩ bản thân bằng cách tự nói thầm: “cơm hôm nay ngon quá”, “canh mình nấu tuyệt vời”… Nhiều khi đang sắp nổi điên với ai đó, bạn thử đánh lạc hướng suy nghĩ bằng cách nhìn ngó nghiêng và bình luận: “ngoài trời nắng lên đẹp quá” hoặc nhìn đối phương và nghĩ “mặt nhìn giống con heo quá”
3. Học cách chia nhỏ công việc:
Nếu bạn sắp nổi điên với một khối lượng công việc khổng lồ đang chờ hoặc công việc rối bời không biết bắt đầu từ đâu. Hãy bình tĩnh và suy nghĩ “ Thành Rome không được xây trong một ngày”, nghĩa là phải chia nhỏ nó ra và giải quyết từng việc từng việc một. Dù muốn hay không bạn cũng chỉ có thể làm mỗi việc một lúc. Đây là lúc bạn phải lấp đầy danh sách những việc cần giải quyết theo thứ tự ưu tiên chứ không phải lấp đầu bộ não với sự bực bội và lo âu.
4. Tìm đến các mối quan hệ xã hội lành mạnh:
Khi tức giận, bạn có thể tìm đến bạn bè để chia sẻ hoặc hẹn hò nhau ra ngoài thay vì ngồi nuốt cục tức một mình. Chia sẻ là một trong những cách hiệu quả để giải phóng sự tức giận.
5. Học cách tĩnh tâm:
Những người theo một tín ngưỡng tôn giáo lành mạnh nào đó thường giữ được trạng thái tinh thần ổn định vì họ thường xuyên luyện tập những kỹ thuật để giữ Tâm bình yên. Bạn có thể áp dụng cách tĩnh tâm vài phút, thiền, tụng kinh, hay đơn giản chỉ là niệm những câu thần chú do bạn tự nghĩ ra như: “bình tĩnh nào”; “mọi chuyện sẽ ổn thôi”; “rồi đâu sẽ vào đấy”; “ mình sẽ giải quyết ổn thỏa”…
6. Học cách kiểm soát cơ thể:
Đanh mặt lại trong vòng mười giây rồi thả lỏng, hãy lặp lại vài lần như thế. Việc co và buông lỏng cơ mặt như vậy giúp bạn giải tỏa căng thẳng. Bên cạnh đó, hãy hít vào, liếm môi, rồi thở ra chầm chậm bởi không khí mát mẻ giúp bạn thay đổi sự chú ý và giảm căng thẳng.
7. Tìm đến thú cưng và cây xanh:
(Miễn đối với trường hợp xả cục tức bằng cách đá bay vật nuôi nhà bạn) Hãy ôm ấp, vuốt ve thú cưng của bạn, có thể chia sẻ với nó diễn biến cảm xúc đang diễn ra trong người bạn (chứ không phải trút giận về kẻ gây ra nó). Chú chó của bạn sẽ luôn lắng nghe và thể hiện thái độ yêu thương với bạn. Cách khác là chăm sóc cây xanh, tưới nước, tỉa cành tỉa lá, có tác dụng hạ nhiệt cơn giận của bạn.
Cuối cùng, hàng ngày bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều việc xảy ra khiến bạn bực tức như kẹt xe, va chạm, sự thiếu ý thức, thiếu văn minh….Vậy khi tức giận nên làm gì để bảo vệ cơ thể khỏi những cơn giận triền miên, hại sức khỏe ? Bạn hãy trang bị cho mình những kỹ năng để xử lý giận dữ trước khi nó cướp mất sự bình yên trong tâm hồn bạn nhé.
Đăng nhận xét