Chưa bao giờ người mua sắm bếp lại đứng trước khó khăn như hiện nay. Ai cũng có yêu cầu cao về an toàn, phù hợp với nhu cầu, túi tiền và giảm được hóa đơn nhiên liệu hàng tháng nhưng để chọn được bếp ưng ý trong vô số lựa chọn về loại bếp, kiểu bếp hiện nay không dễ một chút nào.
Thị trường bếp đa dạng, phong phú với đủ các loại bếp
Chỉ cần dạo một vòng các diễn đàn, cộng đồng mạng phổ biến như webtretho.com, voz.com, lamchame.com… cũng có thể thấy bối rối của người dùng trước lựa chọn mua bếp. Chẳng hạn, chỉ search từ khóa "mua bếp", webtretho.com cho ra 92.800 kết quả, lamchame.com cho 65.700 kết quả, trong đó nội dung xoay quanh thắc mắc, tư vấn kinh nghiệm mua, sử dụng bếp nào, của hãng nào. Nhiều người dùng lúng túng không phân biệt được bếp từ - bếp điện từ, bếp halogen – bếp hồng ngoại…
Đó âu cũng là điều dễ hiểu bởi ngày nay, lựa chọn về bếp đã không chỉ còn dừng lại ở bếp gas hay bếp điện. Những cái tên loại bếp như bếp từ, bếp hồng ngoại, bếp halogen, bếp điện từ, bếp quang nhiệt… bắt đầu du nhập và ồ ạt xuất hiện trên thị trường Việt Nam trong những năm gần đây và được nhắc đến nhiều nhất vào các thời điểm giá gas tăng hoặc tai nạn cháy nổ liên quan đến sử dụng bếp gas.
Bên cạnh các loại bếp truyền thống như bếp điện sử dụng dây may-xo, bếp gas với ngọn lửa xanh, trên thị trường có những chiếc bếp mặt kính bóng loáng, phẳng lì với bàn điều khiển nhiệt độ cảm ứng và không hề có kiềng hay ngọn lửa phát ra. Có bếp có chức năng hẹn giờ, tự động tắt khi nồi không đặt vừa vào vòng bếp hoặc nước trong nồi sôi trào ra ngoài. Có bếp có thể dùng để nướng thịt, đồ khô. Có bếp cảnh báo không nên chạm tay vào khi mặt bếp quá nóng… Tất nhiên, đi kèm với những tính năng tiện nghi đó là giá cả cao ngất ngưởng, có chiếc lên đến hơn 50 triệu đồng.
Nhưng thực tế bếp có xứng tiền bằng cả gia tài như thế? Hay thị trường hiện có những loại bếp nào, ưu nhược điểm từng loại bếp ra sao? Giải pháp nào thay thế bếp gas? Dùng bếp điện có tốn điện không? Bếp hồng ngoại có khác bếp điện?
VnReview đã tiến hành khảo sát thị trường bếp tại một số siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng đồ gia dụng có bán mặt hàng này như Pico, Trần Anh, noithatphuongdong, noithatdongduong.vn, Mê Linh Plaza, BigC, Vincom Tower, bep.vn… Bài viết tổng hợp các loại bếp dưới đây nhằm giúp bạn phân biệt các loại bếp, giá cả, thương hiệu nhằm có một lựa chọn mua bếp phù hợp.
Trước hết, khi quyết định mua sắm bếp có một số điều bạn cần cân nhắc như sử dụng nguồn nhiên liệu nào (điện hay gas, so sánh giá thành nhiên liệu), ngân sách đầu tư cho bếp, nhu cầu nấu ăn thường xuyên hay không? phục vụ ít người hay nhiều người? tính tiện lợi (nhanh chóng, dễ vệ sinh) và phù hợp với thiết kế nhà bếp.
Về chủng loại, hiện có bốn loại bếp cơ bản: bếp gas, bếp điện, bếp điện từ và bếp halogen. Dưới đây là phân tích cụ thể về từng loại bếp cũng như giá cả, thương hiệu tham khảo:
Bếp gas
Bếp gas là loại bếp phổ biến nhất hiện nay trong các gia đình. Nguyên nhân là bếp rẻ (từ khoảng 1 triệu đồng đã có thể mua được chiếc bếp gas đôi) và nhiên liệu gas được sử dụng phổ biến.
Bếp gas âm
Ưu điểm:
• Cung cấp nhiệt tức thời (và có thể tắt nhiệt ngay lập tức).
• Có thể sử dụng với hầu hết các dụng cụ nấu bếp, nồi xoong chảo khác nhau.
• Có thể điều chỉnh ngọn lửa (nhiệt) chính xác, trực quan và nấu thức ăn ở nhiệt độ rất cao. Đây chính là lý do tại sao các đầu bếp chuyên nghiệp thường chọn bếp gas.
• Giá cả bình dân.
Nhược điểm:
• Lãng phí nhiệt lượng dùng để đốt nóng không khí đến 60% (theo Wikipedia)
• Không thân thiện với môi trường. Phòng bếp có sử dụng bếp gas cần có hệ thống thông khí đầy đủ như quạt hút khí, ống khói, mở cửa để tránh bị ngộ độc khí CO.
• Ngọn lửa bếp gas có thể bén các vật dễ cháy xung quanh bếp dẫn tới rủi ro về cháy nổ lớn hơn bếp điện.
• Khi đun nấu, nhiệt từ bếp bốc lên gây khó chịu cho người nấu, nhất là vào mùa hè nóng nực, nếu dùng quạt thì bị tạt lửa.
• Nguy cơ rò rỉ khí gas dẫn đến cháy nổ, ngộ độc khí gas.
• Các bếp gas có kiềng và vòng lửa nên vệ sinh khó khăn hơn so với các loại bếp điện.
Giá cả: Bếp gas phân loại theo thiết kế tủ bếp gồm có: bếp gas âm và bếp gas dương; phân loại theo số bếp nấu: bếp gas đơn, gas đôi trở lên. Giá bếp phụ thuộc vào số bếp nấu, chất liệu mặt bếp, loại bếp âm tủ hay dương tủ và tính năng, thương hiệu.
Bếp gas đơn thường dùng cho các mục đích mang tính di động cao như nấu lẩu, du lịch. Giá bếp gas đơn thường từ 250.000 đồng – 1 triệu đồng.
Bếp gas đôi trở lên: giá từ 750.000 đồng – trên 15 triệu đồng (bếp gas âm mặt kính).
Lựa chọn bếp gas âm: Xu hướng hiện nay người dùng thường lựa chọn bếp gas âm sạch sẽ hơn và tạo không gian đẹp hơn cho bếp. Theo noithatphuongdong.vn, tuỳ nhu cầu sử dụng mà chúng ta chọn mua loại hai hay ba lò nấu, hoặc hai nấu và một nướng, khi mua cần chú ý kích thước lỗ khoét trên mặt đá tủ bếp và kích thước của mặt bếp cho phù hợp. Đa số mặt bếp gas âm được làm bằng đá hoặc kính cường lực, chịu nhiệt và dày từ 8mm. Mặt kính này rất dễ bị thay bằng loại hàng nhái, giả, kém chất lượng, do đó khi mua bạn hãy bắt người bán cam kết hoặc test thử bằng cách dùng búa nện vào mặt kính. Mỗi bộ bếp đều có ghi số series, model, hãng sản xuất, năm sản xuất, nơi sản xuất, lượng gas hay công suất tiêu thụ tối đa liên tục trong 1 giờ. Ví dụ: bình gas loại 12kg, bếp ghi lượng gas tiêu thụ 0,5kg/h có nghĩa là bạn cho bếp đốt với ngọn lửa lớn tối đa với tất cả các lò thì sau 24h bình gas sẽ cạn.
Thương hiệu: Thị trường bếp gas có rất nhiều thương hiệu, cả hàng sản xuất trong nước, hàng xách tay, nhập khẩu. Nếu mua hàng nhập khẩu hãy chọn thương hiệu có nhà phân phối chính thức tại Việt Nam sẽ yên tâm hơn. Một số thương hiệu thông dụng: Giovani, Fagor, Faber, Sena, Napoli, Bella, Teka, Malloca, Rinnai, Toji, Paloma… Lưu ý, bếp gas giả thường có 2 loại: một là bóc tem nhập khẩu từ bếp gas thật dán sang bếp gas giả; hai là giả các linh kiện như mâm chia lửa, kính, bộ phận cảm ứng nhiệt... Thủ đoạn của những đối tượng làm giả, làm nhái bếp gas là mua một bếp gas chính hãng, sau đó mua các linh kiện sản xuất thủ công hoặc từ Trung Quốc rồi lắp ráp theo đúng mẫu bếp gas của hãng.
Tùy theo giá thành, bếp gas sẽ có những tính năng như: ngắt gas tự động; đánh lửa IC; hẹn giờ tự động nấu và tắt; điều chỉnh nhiệt độ nấu; tự điều chỉnh lượng gas hoặc độ lớn của ngọn lửa để tiết kiệm gas (ngọn lửa chỉ trùm vừa hết đáy nồi chứ không vươn ra ngoài); bảo vệ cạn nước trong nồi; tự ngắt lửa khi không có nồi phía trên (tức là khi ta nhấc nồi ra khỏi bếp là sẽ ngắt gas); báo động khi tràn nước…
Bếp điện thông thường
Bếp điện 4 mặt nấu Hi-Light
Bếp điện sử dụng nguồn năng lượng đầu vào là điện nhưng có các cách phát nhiệt khác nhau: dẫn nhiệt, bức xạ và cảm ứng từ nên có các loại bếp điện khác nhau: bếp điện thông thường, bếp halogen, bếp điện từ.
Bếp điện thông thường sử dụng cuộn dây tiếp xúc (loại phổ biến nhất và rẻ nhất) hoặc cuộn dây dạng dải ruy-băng đặt trong một đĩa ceramic ở dưới tấm kính chịu nhiệt để làm nóng dụng cụ nấu với tốc độ rất nhanh (bếp nấu công nghệ Hi-Light - ảnh bên dưới). Bếp điện có mặt bếp làm bằng kính dễ lau chùi, vệ sinh và trông sang trọng nhưng cũng khá đắt. Công suất điện tối đa (bếp đôi trở lên) từ 3000 W cho đến hơn 7400 W (tùy thuộc vào số lượng bếp nấu; vòng bếp nấu).
Ưu điểm:
• Ít rủi ro hơn bếp gas. Do sử dụng điện để tạo nhiệt nên bếp điện thông thường không dựa vào đường ống gas hoặc bình gas và loại bỏ nguy cơ rò rỉ khí gas dẫn đến cháy nổ hoặc ngộ độc khí gas.
• Có thể duy trì nhiệt độ ở mức rất thấp. Khi nấu xong mặt bếp vẫn còn nóng khá lâu nên có thể tắt bếp sớm một chút hoặc để nguyên nồi trên bếp, tiết kiệm và giữ nhiệt thức ăn.
• Không kén dụng cụ bếp.
• Hầu hết bếp điện ngày nay có bề mặt sứ thủy tinh chịu nhiệt có hình thức sang trọng và rất dễ làm sạch. Đặc biệt, chỉ có khu vực mặt bếp nấu nóng bỏng, còn xung quanh khá mát.
• Bàn điều khiển cảm ứng cho phép điều khiển nhiệt độ chính xác và dễ dàng.
Nhược điểm:
• Yêu cầu nguồn điện cao, ổn định.
• Làm nóng bếp cũng như làm mát bếp sau khi nấu lâu. (không sờ vào mặt bếp nấu sau khi nấu xong).
• Đứng nấu lâu có thể nóng do nhiệt độ môi trường xung quanh bị đốt nóng.
• Mặt bếp sứ thủy tinh không cẩn thận sẽ dễ bị trầy xước, vỡ.
Giá cả: Như bếp gas, bếp điện thông thường có cả bếp đơn phục vụ cho mục đích di động cao và bếp đôi trở lên. Giá bếp điện mặt kính đắt hơn bếp mặt kim loại và bếp có nhiều bếp nấu đắt hơn. Giá loại bếp mặt kính từ khoảng 10 triệu đồng cho đến trên 25 triệu đồng.
Thương hiệu: Bosch, Teka, Fagor, Electrolux, Ariston, Nardi, Fotile, Malloca.
Bếp halogen
Bếp halogen (còn được gọi là bếp hồng ngoại, bếp quang nhiệt) cũng là một loại bếp điện nhưng bếp halogen hoạt động dựa trên nguyên lý tia hồng ngoại được truyền qua bóng đèn halogen ẩn dưới bề mặt bếp làm bằng kính chịu nhiệt (bức xạ nhiệt). Mặt bếp kính chịu nhiệt chuyển sang màu đỏ và nhiệt truyền đi với tốc độ của ánh sáng do đó bạn không cần phải chờ đợi bếp làm nóng xoong, nồi. Bóng đèn halogen, là bóng sợi đốt nhưng có bơm đầy khí halogen, tạo ra nhiệt nhiều hơn và có tuổi thọ khoảng 3 năm, lâu hơn bóng đèn sợi đốt nên bạn không phải thay bóng đèn halogen thường xuyên. Giá thay bóng khoảng 30.000 đồng/bóng (bóng Trung Quốc, có tuổi thọ 2.500 giờ và không phân biệt bếp đắt tiền hay rẻ tiền). Bếp đơn có công suất tối đa khoảng 2000 W.
Bếp halogen thường có mặt bếp đỏ rực
Ưu điểm:
• Ít rủi ro hơn bếp gas.
• Ít kén dụng cụ bếp.
• Nấu nhanh hơn bếp gas và bếp điện 50% (theo eHow)
• Có thể nướng thức ăn (cá, mực, thịt...) ngay trên mặt bếp
• Bếp rất an toàn. Mặt bếp nguội, chỉ có mặt bếp thực sự nấu mới nóng.
Nhược điểm:
• Là loại bếp cao cấp nên đắt tiền (đối với bếp đôi trở lên).
• Mặt bếp bằng sứ thủy tinh nên nếu không cẩn thận sẽ dễ bị trầy xước, vỡ.
• Nếu dụng cụ bếp không trùm bếp nấu thì dẫn đến chói mắt.
• Ồn. Bếp có sử dụng quạt tản nhiệt nên trong quá trình sử dụng bếp quạt có thể phát ra tiếng ồn.
Giá cả: Bếp halogen đắt hơn bếp điện thông thường. Hiện trên thị trường phổ biến dạng bếp đơn có giá từ 300.000 đồng - 3 triệu đồng, ít thấy mẫu bếp đôi trở lên tại Việt Nam.
Thương hiệu: Bếp halogen trên thị trường hiện nay chủ yếu là bếp đơn và là sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan hoặc sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam nhập linh kiện về lắp ráp. Các thương hiệu phổ biến như Gali, Rubiluck, Fuji Cook.
Bếp điện từ
Bếp điện từ (còn gọi là bếp từ, bếp cảm ứng từ) sử dụng từ trường theo nguyên lý hoạt động của dòng điện Foucault (Fucô) để làm nóng dụng cụ nấu, sau đó làm nóng thực phẩm bên trong nhưng mặt bếp vẫn khá nguội. Đây là phương pháp nấu nhanh nhất và có thể điều khiển nhiệt độ chính xác như bếp gas. Tất nhiên, bếp điện từ - được mệnh danh là iPad của nhà bếp - thuộc loại đắt đỏ và rất kén dụng cụ nấu. Bếp điện từ cao cấp thường có chữ "Induction" trên mặt bếp nấu.
Bếp từ (bếp điện từ, bếp cảm ứng) thường có chữ "Induction" trên vòng tròn mặt bếp nấu
Ưu điểm:
• Ít rủi ro hơn bếp gas.
• Nấu ăn nhanh.
• Không lãng phí nhiệt thoát ra môi trường. Nguồn điện được dẫn vào cuộn dây đặc biệt để tạo ra cảm ứng điện từ làm dao động các điện tử ở đáy nồi, sinh nhiệt trực tiếp ở phần tiếp xúc nên tiết kiệm tối đa nguồn nhiệt thất thoát.
• Bếp rất an toàn. Mặt bếp nhìn chung là nguội, chỉ có khu vực nấu tiếp xúc với xoong, chảo hơi nóng.
• Dễ dàng lau chùi, vệ sinh.
Nhược điểm:
• Đắt tiền (loại bếp đôi trở lên).
• Kén dụng cụ nấu bếp: chỉ sử dụng được với các dụng cụ bếp bằng thép, sắt có chất dẫn từ. Để có thể tận dụng được bộ nồi cũ, nhiều người dùng mua miếng sắt từ đặt lên mặt bếp từ, rồi đặt nồi, chảo lên nấu. Tuy nhiên, khuyến cáo là một khi đã làm như vậy có nghĩa bạn đã biến chiếc bếp từ thành bếp điện thông thường – ý nghĩa của tiết kiệm nhiệt, nấu nhanh của bếp từ sẽ không còn.
• Dụng cụ nấu nặng nề (thường nồi, chảo dùng cho bếp từ có từ 3 lớp đáy trở lên, cầm rất nặng tay)
• Đề phòng mất điện.
• Ồn (do quạt tản nhiệt).
• Chi phí thay thế, sửa chữa đắt đỏ.
• Mặt bếp có thể bị trầy xước, để lại vết dầu mỡ nếu như dầu mỡ nóng bắn ra ngoài không được lau chùi kịp thời.
Giá cả: Bếp từ đơn có giá có thể chấp nhận được với nhiều người tiêu dùng, chỉ từ 300.000 đồng – 1,2 triệu đồng/chiếc, công suất khoảng 2000 W. Nhược điểm của bếp này là điều chỉnh nhiệt độ không linh hoạt.
Bếp từ đôi trở lên có công suất từ 3400 W đến trên 7000 W. Hầu hết bếp loại này có bàn điều khiển cảm ứng, có thể điều chỉnh nhiệt độ linh hoạt và nhiều tính năng hiện đại như khóa trẻ em, tự động nhận nồi, hẹn giờ… Bếp nhập khẩu từ châu Âu có giá đắt nhất, từ 21 triệu đồng đến gần 60 triệu đồng/ chiếc (tùy thuộc vào số bếp nấu, thương hiệu, tính năng). Bếp nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan hoặc do doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu về lắp ráp có loại có giá bán rẻ hơn, từ 13 triệu đồng đến khoảng 20 triệu đồng, có loại rất đắt, trên 30 triệu đồng, vì có kèm "khuyến mãi" bộ nồi đến gần 20 triệu đồng.
Thương hiệu: Bếp từ nhập khẩu từ châu Âu như Electrolux, Teka, Fagor, Bosch. Các bếp nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan... như KitchMate, Munchen.
4. Bếp kết hợp
Để người dùng không phải loại bỏ cả bộ dụng cụ nấu yêu thích do dùng bếp từ, nhiều nhà sản xuất đã chế tạo những mẫu bếp kết hợp: bếp điện kết hợp với bếp từ, bếp gas kết hợp với bếp từ, ngoài ra thị trường còn có loại bếp gas kết hợp điện. Nói chung các dạng bếp kết hợp này cũng kết hợp ưu nhược điểm của các loại bếp điện, từ, gas nói ở trên và tùy theo nhu cầu bạn có thể chọn mua loại bếp kết hợp nào phù hợp với hoàn cảnh của mình.
Một loại bếp từ kết hợp điện của Fagor
Một số gợi ý của VnReview, được tổng kết từ những khảo sát trên thị trường bếp và từ người tiêu dùng:
- Bếp từ kết hợp điện: được ưa chuộng vì bếp hoàn toàn sạch sẽ, dễ lau chùi, có thể sử dụng nhiều loại nồi nấu khác nhau mà không phải băn khoăn nhiều về việc có dùng được cho bếp từ không. Tuy nhiên, với giải pháp này bạn cần có bếp dự phòng trường hợp mất điện.
- Bếp gas kết hợp từ; Bếp gas kết hợp điện: về cơ bản là giống nhau và không loại bỏ được nguy cơ mất an toàn khi sử dụng bếp gas – điều đang khiến nhiều người quay sang sử dụng bếp điện và bếp điện từ. Hơn nữa, khi vẫn còn dùng bếp gas thì việc vệ sinh bếp vẫn vất vả như khi dùng bếp gas thông thường, trong khi loại bếp có tính năng kết hợp sẽ đắt hơn bếp gas thường. Chỉ nên chọn loại bếp này khi bạn xác định sẽ dùng bếp từ/bếp điện là chính, còn bếp gas là bếp dự phòng trong trường hợp bị mất điện, hoặc có nồi nấu không phù hợp với bếp từ.
Nhìn chung, qua quan sát của VnReview, hiện nay ngày càng nhiều người dùng quan tâm đến bếp từ như một lựa chọn hàng đầu thay thế cho bếp gas. Mặc dù rõ ràng là bếp điện từ an toàn hơn so với "ôm quả bom nổ chậm" bình gas trong nhà, nhưng người tiêu dùng vẫn có nhiều điều để băn khoăn ngoài số tiền đầu tư ban đầu quá lớn, như dùng bếp từ có thuận tiện không? nấu thức ăn có ngon không? có tốn tiền (cho chi phí điện năng) hơn so với bếp gas không? có ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng hay không? nên mua bếp hãng nào?... Nói cách khác là có nên mua bếp điện từ hay không?
Đăng nhận xét